O Chi nuôi gà an toàn sinh học

Bình luận · 203 Lượt xem

Nhiều năm nay, dịch bệnh tránh xa đàn gà gia đình o Chi nhờ bí quyết nuôi gà an toàn sinh học.

Tự tay bẫy vi sinh vật bản địa, nuôi gà an toàn sinh học

 

Bà Phan Thị Phương Chi, trú tại thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) năm nay đã 69 tuổi nhưng nhìn bà tâm huyết với đàn gà, công việc đều tay nên nhiều người quen gọi bằng o.

 

O Chi không ngại làm thịt gà, sơ chế, chế biến nếu khách yêu cầu. Gà o Chi nuôi, thịt ngon nổi tiếng khắp vùng nên nhiều mối quen đặt mua đều đặn.

 

Ở xã Triệu Thượng, nhiều người hay nói đùa, chỉ có đại gia mới hay mua thịt gà o Chi nuôi về ăn. Nhưng gà o Chi không chỉ tiêu thụ trong vùng mà còn được khách hàng ở TP. Đông Hà đặt mua thường xuyên.

 

O Chi dẫn chúng tôi vào khu vực nuôi gà rồi nói, o thường nuôi gối đầu, mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 400 con. Cứ bán hết lứa gà này lại có lứa gà khác kế cận xuất chuồng. Khu vực chăn nuôi của o Chi chật hẹp, nằm ngay sau căn nhà cấp 4 nhưng khách đến chơi không nghe mùi hôi thối.

 

“O phải kỳ công bẫy vi sinh vật bản địa, nuôi và nhân bản vi sinh vật có lợi để tạo đệm lót sinh học; trộn vào thức ăn cho gà. Chính vì thế mà gà ít dịch bệnh, phân không bốc mùi hôi thối”, o Chi chia sẻ.

 

O Chi dẫn chúng tôi đến khu vực chế biến thức ăn cho gà rồi tự tin đưa tô thức ăn của gà lên ngửi: “Trông thế thôi chứ nó thơm mùi men, không hôi tý nào”.

 

Khu vực chế biến thức ăn của o Chi có vô số thứ: Các loại rau, bưởi rụng, chuối chín… nói chung là tất tần tật những loại hoa quả trong vườn nhà. Ngoài ra còn có cám gạo, cám ngô, gạo lứt, lúa… Một dãy thùng đựng các chế phẩm IMO1, IMO3; thức ăn đã ủ từ IMO3; cá tươi ủ lên men… Chế biến thức ăn kỳ công như o Chi hiếm người chịu khó làm được.

 

Để những đàn gà lớn nhanh, thịt thơm ngon, ít dịch bệnh, o Chi đã phải rất kỳ công. Bước đầu tiên là bẫy vi sinh vật bản địa. Cơm trắng nấu lên để nguội, vắt thành từng nắm bằng quả cau, bỏ vào thẩu sành, sứ hoặc ống tre. Sau đó, lấy vải màn bọc 1-2 lớp ở miệng, phủ một lớp lá chuối xé nhỏ, đào hố đất sâu 25-30 cm, chôn nghiêng 45 độ để nước không tràn vào.

 

Đất chọn đào hố bẫy vi sinh vật bản địa phải ở vị trí cao ráo, thoáng mát và quan trọng nhất là sạch – không phun các loại thuốc BVTV, không bón phân vô cơ.

 

Sau 3-4 ngày (tùy thời tiết), hũ được đào lên, chỉ chọn lấy phần cơm vàng và trắng. Số cơm này sẽ trộn với đường (tỷ lệ 1-1), khuấy đều, bảo quản nơi thoáng mát sau 12 ngày có thể dùng được. Chế phẩm IMO1 này nếu bảo quản tốt có thể sử dụng trong vòng 1 năm.

 

Từ chế phẩm IMO1, o Chi tiếp tục trộn với nước lã, tỷ lệ 1-10, một ít đường, cám gạo khuấy đều, ủ trong xô, chậu, không bịt đậy nắp quá kín. Cứ sau 1-2 ngày, hỗn hợp này sẽ tiếp tục được khuấy đều, 1 tuần sau sẽ sử dụng được. Đây được gọi là chế phẩm IMO3. Trong quá trình bảo quản, cứ 15 ngày lại mở nắp và cho vào 1 ít đường.

 

 Nhiều tác dụng. Có thể lấy chế phẩm này để tưới vào nền chuồng đã được lót vỏ trấu, mùn cưa tạo thành lớp đệm sinh học trong chăn nuôi gà.

 

Chính các vi khuẩn có lợi trong IMO3 sẽ phân hủy nhanh phân gà, không gây mùi thôi thối. Dung dịch chiết ra từ IMO3 được o Chi trộn với nước cho gà uống để nâng cao sức đề kháng, nhất là khi thời tiết thay đổi. Bã của chế phẩm IMO3 trộn hoặc ủ với thức ăn cho gà ăn hàng ngày cũng rất tốt.

 

Ai cũng có thể làm được

Năm 2016, tổ chức Koica của Hàn Quốc tài trợ Quảng Trị thực hiện Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tại huyện Triệu Phong. Hàng trăm hộ dân được tập huấn nâng cao năng lực chăn nuôi, xúc tiến thị trường.

 

Điều quan trọng nhất trong dự án này, Koica chuyển giao kỹ thuật bẫy vi sinh bản địa, tạo ra chế phẩm IMO1, IMO3 để cải thiện môi trường chăn nuôi nông hộ, làm thức ăn giúp gia súc, gia cầm tăng cường sức đề kháng, tạo hệ miễn dịch cho đàn vật nuôi.

 

Theo bà Phan Thị Phương Chi, hầu hết hộ chăn nuôi gà áp dụng kỹ thuật lên men này đều thành công. Gia đình bà, mỗi năm nuôi khoảng 1,2 nghìn con gà, tính ra lãi ròng trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, số người kiên trì thực hiện kỹ thuật bẫy vi sinh vật bản địa tạo ra IMO1, IMO3 để chăn nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

“Nuôi gà áp dụng kỹ thuật lên men này tỷ lệ sống đạt gần như 100%. Kỹ thuật lên men không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải thật sự kiên trì. Tiếc là giờ ít người thực hiện quá”, bà Chi cho hay.

 

Điều khá bất ngờ ở mô hình nuôi gà của bà Chi là gà giống được mua về không cho ăn thức ăn công nghiệp trong thời gian đầu như nhiều cách thức chăn nuôi khác.

 

Gà con chủ yếu cho ăn hạt gạo lứt, sau đó sẽ làm quen với những thức ăn được ủ từ IMO3 với các thành phần như cám ngô, cám gạo, rau các loại, đỗ tương rang xay nhuyễn, đạm cá ủ… uống nước lên men hoa quả, nước tỏi ủ cùng bia, đường, rượu.

 

 

Chính vì gà chỉ sử dụng các loại thức ăn sẵn có từ sản xuất nông nghiệp nên người nuôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí, chủ động khi thức ăn công nghiệp lên cao; thịt gà thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Gà nuôi theo hình thức này phải sau 4-5 tháng mới xuất chuồng nhưng có sức đề kháng tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, giá gấp đôi so với gà nuôi công nghiệp nên người nuôi có lãi cao.

 

Tại xã Triệu Trung (Triệu Phong) hiện cũng có khoảng 30 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chọn cách nuôi này. Thực tế cho thấy, thời gian qua, đàn gà của các hộ dân này chống chọi tốt với các loại dịch bệnh. Dù nuôi quy mô nhỏ nhưng các hộ dân đều có nguồn thu nhập cao và ổn định.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Ngô Xá Đông mỗi năm nuôi trên 1 nghìn con gà theo hình thức tự chế men IMO1, IMO3. Theo bà Thanh, từ khi lựa chọn cách nuôi này, cùng với việc tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin, phun tiêu độc khử trùng khu vực xung quanh chuồng trại, đàn gà không xuất hiện dịch bệnh gì đáng kể.

 

“Lưu ý là không phun tiêu độc khử trùng vào vùng đệm lót của gà. Mục đích là để các vi sinh vật có lợi trong IMO3 phát triển, phân hủy phân gà.

 

Thực tế, gà ăn thức ăn lên men với liều lượng vừa đủ thì sức đề kháng rất cao, phân cũng không thối như nuôi gà công nghiệp.

 

Vì vậy, nuôi gà sử dụng các chế phẩm lên men tự chế rất phù hợp với những hộ dân có không gian hẹp nhưng vẫn muốn tạo thêm thu nhập từ chăn nuôi” – bà Thanh cho hay.

 

Ông Trần Văn Khương, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Triệu Phong cho biết, nuôi gà sử dụng thức ăn lên men, phun dung dịch IMO3 vào đệm lót là một hình thức nuôi gà an toàn sinh học.

 

Gà sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon, lợi nhuận cao nhưng hiện nay không nhiều hộ áp dụng. Nguyên nhân vẫn là câu chuyện đầu ra còn hạn hẹp.

 

Những hộ nuôi thành công cũng không dám mở rộng quy mô vì lượng khách hàng cố định, không thể bán với số lượng lớn cho các đầu mối.

 

“Phương pháp chăn nuôi này giúp đàn gà ít dịch bệnh. Trước đây, trong vùng tâm điểm của dịch tả lợn Châu Phi, những hộ có sử dụng các loại chế phẩm vi sinh cho lợn ăn thì lợn ít nhiễm bệnh hơn so với những hộ còn lại.

 

Muốn phát triển hình thức chăn nuôi này, điều quan trọng nhất là người chăn nuôi phải được hỗ trợ để tìm đầu ra ổn định với số lượng lớn”, ông Trần Văn Khương, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Triệu Phong.

 

Võ Dũng

 

Bình luận