Giết mổ từ 10 con gia súc/ngày vẫn phải có giấy phép môi trường

Bình luận · 201 Lượt xem

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022 vẫn giữ quy định mổ từ 10 con lợn trở lên phải có giấy phép môi trường.

Giết mổ 10 con gia súc và 100 con gia cầm/ngày phải có giấy phép môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thời hạn lấy ý kiến về góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08 sẽ kết thúc vào ngày 4/11.

 

Tại Dự thảo mới, quy định về môi trường trong ngành giết mổ gia súc, gia cầm vẫn giữ nguyên. Cụ thể, việc giết mổ gia súc quy mô từ 10 đến dưới 100 con/ngày, giết mổ gia cầm từ 100 - 1.000 con/ngày được xếp vào nhóm gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ, tương đương nhà máy sản xuất bia, nước giải khát có công suất từ 50.000 đến dưới 1 triệu lít sản phẩm/năm, hay một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 100 đến dưới 1.000 tấn/năm.

 

Với quy định này, việc giết mổ từ 10 con lợn, trâu, bò… hay từ 100 con gia cầm trở lên phải làm giấy phép môi trường do UBND cấp huyện thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.

 

Đặc biệt, nếu dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường như nội thành, nội thị… bị xếp vào nhóm II (dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường với quy định làm giấy phép môi trường do UBND tỉnh cấp phép).

 

Trong đó, phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường như có công trình, biện pháp thu gom nước thải, có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường. Quy định này đã được chuyên gia nhận định là ít tính khả thi khi triển khai thực tế.

 

Thay đổi quy mô dự án chăn nuôi phải báo cáo Bộ

Bên cạnh những quy định về giấy phép môi trường liên quan tới giết môt gia súc, gia cầm,một số vấn đề được dự thảo sửa đổi lần này quy định thêm, việc thay đổi quy mô dự án chăn nuôi phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

 

Cụ thể, tại Nghị định 08 đang quy định, dự án có quy mô từ 1.000 đơn vị vật nuôi trở lên thuộc nhóm công suất lớn, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

 

Các dự án chăn nuôi có quy mô từ 1.000 đến dưới 3.000 đơn vị vật nuôi sẽ không phải nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường lên Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Dự thảo Nghị định mới đề xuất, dự án chăn nuôi quy mô từ 3.000 đơn vị vật nuôi sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Như vậy, các dự án chăn nuôi có quy mô từ 1.000 - 2.999 đơn vị vật nuôi sẽ không phải nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường lên Bộ Tài nguyên và Môi trường như quy định của Nghị định 08.

 

Lý giải về thay đổi này, tờ trình dự thảo Nghị định cho biết: quá trình tổ chức thực hiện cho thấy số lượng dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp có công suất trên 1.000 đơn vị vật nuôi hiện nay có số lượng khá lớn.

 

Do đó, nhằm tạo sự chủ động của địa phương trong kiểm soát các vấn đề môi trường, đồng thời giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho chủ dự án, việc rà soát, nâng mức công suất của loại hình này nhằm phân quyền mạnh hơn cho các địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính là cần thiết.

 

Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên, dự án có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Về đối tượng phải cấp giấy phép môi trường cũng có sự thay đổi, trong đó giảm đối tượng là các trụ sở cơ quan hành chính.

 

Kiên Trung

Bình luận