Lào Cai khơi thông 'dòng chảy số' ngành nông nghiệp

Bình luận · 317 Lượt xem

Lào Cai đang hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp có sản phẩm nông sản xuất khẩu minh bạch thông tin sản phẩm qua 3 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh.

Bà con trồng quế hữu cơ ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) ứng dụng 'Nhật ký điện tử QGS' để giúp canh tác dễ dàng hơn. Ảnh: Lưu Hòa.

Bà con trồng quế hữu cơ ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) ứng dụng “Nhật ký điện tử QGS” để giúp canh tác dễ dàng hơn. Ảnh: Lưu Hòa.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Lào Cai đã từng bước khơi thông và lan tỏa mạnh mẽ “dòng chảy” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số.

Sở NN-PTNT Lào Cai đang hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp có sản phẩm nông sản xuất khẩu thực hiện minh bạch thông tin về sản phẩm qua 3 ngôn ngữ phổ biến là tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh nhằm tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực như dứa chế biến, sản phẩm chè, chuối, quế…

Ngành nông nghiệp Lào Cai là 1 trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng phần mềm truy xuất nông sản từ năm 2017, đến nay Lào Cai đã có 327 dòng nông sản an toàn được cấp mã QR Code. Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có trên 183 doanh nghiệp/ HTX/cơ sở tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm trên hệ thống với 311 dòng sản phẩm tham gia, nhất là các loại nông sản thế mạnh và đặc sản của 124 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thông tin quản lý chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh đảm bảo các chức năng hỗ trợ trong công tác quản lý, hỗ trợ người sản xuất, cung cấp sản phẩm và hỗ trợ người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng toàn quốc có thể đặt hàng nông sản của Lào Cai trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Lazada,Tiki, Sendo…

Lào Cai cũng đã giới thiệu 75 cơ sở sản xuất nông sản đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Voso… và qua trang tin điện tử “Phiên chợ Khuyến nông”; các trang mạng xã hội zalo, facebook... nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ chăm sóc khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sản phẩm đặc sản Lào Cai trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Sản phẩm đặc sản Lào Cai trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Thực tế cho thấy, sức cạnh tranh của các sản phẩm an toàn, chất lượng cùng uy tín của doanh nghiệp, hợp tác xã đã được nâng cao hơn. Khách hàng cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ các hoạt động này.

Công nghệ số cũng được Lào Cai ứng dụng với công nghệ viễn thám trong điều tra và quản lý tài nguyên rừng. Phần mềm cảnh báo cháy rừng được tích hợp sử dụng bằng máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet sẽ hiển thị bản tin cảnh báo cháy rừng từng ngày theo từng khu vực và hiển thị bản đồ cảnh báo cháy rừng một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Trong sản xuất, Lào Cai đã xây dựng và triển khai phần mềm "Nhật ký canh tác" giúp nông dân dễ dàng ghi chép các hoạt động trong canh tác hàng ngày, tiết kiệm thời gian, dễ áp dụng trong thực tiễn sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong quản lý theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ...

Trong quá trình từng bước triển khai thực hiện chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Lào Cai cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ và hiện đại. Nhân lực về công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, hiện toàn ngành nông nghiệp tỉnh chưa có công chức chuyên trách về công nghệ thông tin; 100% cán bộ, công chức các đơn vị mặc dù đã được đào tạo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên phần lớn mới đáp ứng yêu cầu tin học văn phòng, chưa bảo đảm cho lộ trình chuyển đổi số. Chưa có hệ thống quản lý dữ liệu chung của nông nghiệp tỉnh một cách đồng bộ và liên thông, bảo đảm chia sẻ dùng chung...

Sản phẩm OCOP, đặc sản Lào Cai trên trang web 'Phiên chợ khuyến nông'. 

Sản phẩm OCOP, đặc sản Lào Cai trên trang web "Phiên chợ khuyến nông". 

Để khơi thông "dòng chảy” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp Lào Cai đang tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, ngay cả lĩnh vực điều hành, quản lý cũng cần ứng dụng mạnh chuyển đổi số để các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sản xuất kịp thời hơn.

Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thương mại điện tử; xây dựng các xã nông thôn mới thông minh. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử...

Đẩy mạnh tập huấn kỹ năng, cách thức bán hàng trực tuyến, khởi tạo các kênh bán hàng trên môi trường mạng, live stream trên các kênh cá nhân, thiết kế và quản trị vận hành nội dung trang quảng cáo, xây dựng nội dung câu chuyện để quảng bá sản phẩm

Bình luận