Vietstock 2023 với chủ đề "Tăng cường chăn nuôi bền vững nhằm cải thiện an ninh lương thực và an toàn thực phẩm" quy tụ 350 doanh nghiệp từ hơn 30 quốc gia tham dự.
Triển lãm được tổ chức bởi Tập đoàn Informa Markets phối hợp đồng hành cùng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Báo Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị bảo trợ truyền thông cho sự kiện.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Vietstock 2023 là nơi hội tụ kết tinh giá trị công nghệ, tiên tiến hiện đại của thế giới, diễn đàn để các tập đoàn, người chăn nuôi sản xuất thức ăn giao lưu, hợp tác.
"Trong xu thế hội nhập khu vực, quốc tế ngày càng sâu rộng, triển lãm này có ý nghĩa hết sức quan trọng để cập nhật thúc đẩy và phát triển công nghệ, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam", Thứ trưởng Tiến nói và đánh giá cao sự phối hợp giữa Cục Chăn nuôi và INFORMA tổ chức triển lãm quốc tế Vietstock thường niên. Trải qua 10 lần tổ chức thành công, đây là động lực thúc đẩy phát triển chăn nuôi Việt Nam với tốc độ 4 - 6%/năm.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi Việt Nam và các nước đang đối mặt với nhiều thách thức lớn là dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đặc biệt là bệnh từ động vật lây sang người. Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực.
"Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn góp phần quan trọng vào an ninh lương thực thế giới với sản lượng và giá trị xuất khẩu nông sản trên 200 quốc gia vùng lãnh thổ. Ở hoàn cảnh nào, ngành nông nghiệp cũng đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để có ngành chăn nuôi, thủy sản bền vững, thì công tác phòng chống dịch bệnh đã được triển khai rất tốt. "Chưa bao giờ có 8 đề án, kế hoạch quốc gia cho phòng chống dịch bệnh. Ngoài dịch bệnh, thì thức ăn chăn nuôi, biến đổi khí hậu, kháng kháng sinh đã đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành chăn nuôi cần phải giải quyết. Chính vì vậy, Vietstock 2023 với chủ đề “Tăng cường chăn nuôi bền vững nhằm cải thiện an ninh lương thực và an toàn thực phẩm” sẽ là dịp để cùng nhau thảo luận cùng tìm hiểu và đề xuất giải pháp cùng vượt qua những thách thức, tạo ra những cơ hội mới cho ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững".
Công nghệ chăn nuôi là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành chăn nuôi. Vì vậy, theo Thứ trưởng, việc tạo ra một môi trường thuận lợi để khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi là rất cần thiết.
Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng cho rằng, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, các hiệp hội ngành hàng. Để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hợp tác đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam, đúng theo tinh thần “nhà nước tạo sàn diễn, khoa học đi tiên phong, doanh nghiệp đua tài, nông dân hưởng lợi".
Theo bà Margaret Ma Connolly, Chủ tịch & CEO Tập đoàn Infoma Markets khu vực châu Á, sự phát triển ngành chăn nuôi ở Việt Nam đã mở đường cho sự phát triển của thị trường protein động vật và các sản phẩm hữu cơ, khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Vietstock 2023 với sự tham dự của gần 350 công ty đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm, công nghệ, giải pháp nổi bật như nguyên liệu, phụ gia, chất vi sinh, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; hóa chất, thiết bị trang trại, nguyên liệu ngành chế biến thịt, trứng sữa; công nghệ gen và thụ tinh nhân tạo...
Ngoài ra, sẽ có nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp cho các đơn vị triển lãm, các chuỗi hội thảo và hội nghị với các chủ đề đa dạng như Nuôi trồng thủy sản; Chăn nuôi gia cầm và gia súc; Chăn nuôi bò sữa & bò thịt; Năng lượng tái tạo từ chất thải chăn nuôi; Dinh dưỡng & Thức ăn chăn nuôi; Phúc lợi động vật.
"Những kết nối kinh doanh quốc tế sẽ giúp các sản phẩm chăn nuôi và thủy sản của Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tiếp cận đến thị trường toàn cầu.
Vietstock 2023 sẽ lan tỏa những giải pháp sáng tạo hàng đầu, cũng như các kết nối kinh doanh toàn cầu, để hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển an toàn và bền vững", bà Margaret Ma Connolly nói.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Triển lãm còn diễn ra hội nghị Bàn tròn các Hiệp hội chăn nuôi khu vực ASEAN, nhằm thảo luận về thực trạng ngành chăn nuôi và chia sẻ thực tiễn, các giải pháp, các chương trình để cải thiện ngành chăn nuôi trong khu vực.
Triển lãm không chỉ đem lại cơ hội trưng bày và giới thiệu sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chăn nuôi, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chuyên gia, trang trại trong ngành chăn nuôi có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Bên cạnh gian hàng và các hội thảo, Giải thưởng Vietstock 2023 là sự kiện được mong đợi, nơi vinh danh các doanh nghiệp/tổ chức có sự cố gắng vượt trội để phát triển và đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Triển lãm Vietstock 2023 được tổ chức đồng thời cùng triển lãm ngành thủy sản Aquaculture Vietnam 2023) từ 11 - 13/10 tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm SECC (quận 7, TP.HCM).
Để phát triển chăn nuôi nhanh, bền vững trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tập trung 7 điểm nhấn:
- Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh để giảm phát thải, bảo vệ môi trường;
- Công nghệ chăn nuôi chính xác, hiện đại gắn với chuyển đổi số để giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi;
- Phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, truy xuất nguồn gốc; an toàn thực phẩm trong sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi khép kín;
- Công nghệ giết mổ, bảo quản và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi;
- Các công nghệ, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giải pháp thay thế kháng sinh nhằm giảm thiểu hiện tượng kháng kháng sinh;
- Khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu và vật tư đầu vào có lợi thế cạnh tranh phục vụ cho ngành chăn nuôi Việt Nam;
- Tăng cường trao đổi, giao lưu các đoàn để học tập lẫn nhau, đặc biệt là nắm bắt công nghệ tiên tiến.
“Sắp tới đây, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ xuất khẩu với tốc độ nhanh vì trong thời gian qua có 3,7 tỷ USD đầu tư vào chăn nuôi và dần dần hoàn thiện”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Ng.Thủy - L.Bình - Tr.Phi