Tiềm năng lớn từ cây dược liệu Bắc Kạn

Bình luận · 123 Lượt xem

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích rừng tự nhiên gần 273.000ha, đây là tiềm năng lớn để trồng cây dược liệu dưới tán rừng, hướng đến tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã trồng được hơn 400ha cây dược liệu. Một số cây dược liệu được trồng nhiều như hà thủ ô, trà hoa vàng, cà gai leo, mướp đắng rừng, quế, hồi, giảo cổ lam, khôi nhung tía… Những năm gần đây nhận thấy giá trị một số loài cây dược liệu, các chủ rừng đã tự mua cây giống hoặc tự nhân giống để trồng dưới tán rừng.

 

Hiện nay, hầu hết các loại cây dược liệu đã được chế biến thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao như curcumin gừng, nghệ; tinh bột nghệ nếp đỏ, cao cà gai leo, trà mướp đắng rừng, trà hoa vàng, trà giảo cổ lam, dầu hồi, dầu quế…

 

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn chủ trương mở rộng diện tích cây khôi nhung, chè hoa vàng, thảo quả, cát sâm, ba kích, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, khôi tía dưới tán rừng. Đặc biệt thu hút các hợp tác xã đầu tư vào những khu vực rừng có độ cao lớn, khí hậu mát, ẩm tại các huyện Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm, Chợ Đồn.

 

Tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu trở thành thủ phủ trồng cây dược liệu trong tương lai gần. Theo đó, địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ các hợp tác xã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu. Tập trung hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ máy móc thiết bị, xây dựng mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật.

 

Năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Sở NN-PTNT Bắc Kạn đã khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn tỉnh. Bắc Kạn xác định, phát triển cây dược liệu là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế rừng, mở ra một hướng đi mới, đa dạng thu nhập cho người dân.

Ngọc Tú

 

Bình luận