Cơ giới hóa sản xuất lúa vùng ĐBSCL: Mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy sạ lúa theo khóm

Bình luận · 181 Lượt xem

Máy sạ lúa theo khóm có hoạt động sạ tương tự như máy cấy, tạo ra ruộng lúa sạ theo hàng, theo khóm như ruộng lúa cấy. Máy sạ lúa theo khóm hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để có thể đưa vào phục vụ cơ giới

Máy sạ lúa theo khóm được nhập khẩu từ Hàn Quốc đầu năm 2019. Máy sạ lúa theo khóm có hoạt động sạ tương tự như máy cấy, tạo ra ruộng lúa sạ theo hàng, theo khóm như ruộng lúa cấy. Và qua đó, cũng giống như ruộng lúa cấy, bên cạnh các lợi ích khác, ruộng lúa sạ theo khóm phát huy được hiệu ứng hàng biên, giúp ruộng lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Đánh giá về máy sạ lúa theo khóm, có 3 yếu tố cần xem xét:

- Thứ nhất, là năng suất làm việc, vì đã nói đến cơ giới hóa thì phải có năng suất làm việc cao để thay thế sức lao động của con người. Ở đây, qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo khóm có năng suất làm việc khá cao; trong điều kiện bình thường có thể đạt 6–8 ha/ngày, gấp đôi năng suất làm việc của các dòng máy cấy hiện nay, giúp chúng ta có thể đẩy nhanh lịch thời vụ xuống giống tập trung né rầy, một yêu cầu của sản xuất lúa ĐBSCL.

- Yếu tố thứ hai cần xem xét, là quy trình hoạt động, tức là cách thức vận hành của máy sạ lúa theo khóm có đơn giản không, có phù hợp với khả năng tiếp nhận của người nông dân không. Về vấn đề này cho thấy nếu như máy cấy hoạt động cấy bằng cây mạ, thì máy sạ lúa theo khóm hoạt động sạ bằng hạt giống. Điều đó có nghĩa là, máy sạ lúa theo khóm bỏ qua được công đoạn làm mạ khá phức tạp của máy cấy, mà thực hiện hoạt động sạ đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp nhận của người nông dân. 

-Yếu tố thứ ba cần xem xét, là về lợi ích, hiệu quả kỹ thuật mang lại cho người nông dân (người sử dụng máy sạ lúa theo khóm). Đây được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để người nông dân quyết định việc lựa chọn của mình.                                                            Qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo khóm cũng như máy cấy, giúp người nông dân giảm được một lượng giống khá cao, từ 60 – 70% so với tập quán sạ dày hiện nay. Nếu như lượng giống bà con nông dân sử dụng hiện nay phổ biến là 120 – 150 kg/ha thì khi sử dụng máy sạ lúa theo khóm chỉ sử dụng 50 – 70 kg/ha. Và quan trọng hơn, từ chổ giảm giống đã kéo theo giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiểm môi trường, tăng được năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Đặc biệt là, giảm được tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trổ - chin ở vụ Hè - Thu và Thu - Đông hàng năm.

Đồng thời, xét về hiệu quả kỹ thuật mang lại cho người nông dân, thì máy sạ lúa theo khóm vượt trội hơn so với máy cấy vì đã bỏ qua được công đoạn gieo mạ, giảm được chi phí gieo cấy quá cao. Từ đó tăng thêm lợi nhuận cho người nông dân so với khi sử dụng máy cấy. Điều này có nghĩa là, ruộng lúa sạ theo khóm đem lại lợi nhuận cho người nông dân không những cao hơn so với ruộng lúa sạ lan, sạ dày hiện nay mà còn cao hơn so với ruộng lúa cấy do bỏ qua được công đoạn gieo mạ khá phức tạp, giảm được chi phí gieo cấy quá cao.

Thực tế sản xuất từ vụ HT2019 đến nay của nhiều chương trình, dự án ở hầu khắp các địa phương trong vùng cho thấy rằng máy sạ lúa theo khóm hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để có thể đưa vào phục vụ cơ giới hóa sản xuất lúa vùng ĐBSCL, đó là có năng suất làm việc cao, kỹ thuật vận hành đơn giản và nhất là mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa, đồng thời có thể đánh giá về mặt chuyên môn, ruộng lúa sạ theo khóm như ruộng lúa cấy, nhưng về mặt hiệu quả kinh tế thì ruộng lúa sạ theo khóm vượt trội hơn hẳn ruộng lúa cấy do bỏ qua được công đoạn gieo mạ khá phức tạp, giảm được chi phí gieo cấy quá cao.

Đặc biệt có thể chỉ đầu tư bộ phận công tác (bộ phận sạ lúa theo khóm) và kết nối với máy cày lớn, máy xới nhỏ, máy cấy … là các loại máy móc đang được sử dụng phổ biến trong vùng. Và như thế, người nông dân có thể sử dụng các “cổ máy ghép” này vừa có thể làm đất hay cấy, vừa có thể xuống giống theo hình thức sạ khóm tùy theo nhu cầu. Mặt khác, vừa đáp ứng được việc giảm chi phí đầu tư, vừa tăng thời gian hoạt động của máy.

Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia tin tưởng trong thời gian tới, cùng với các chính sách tác động của nhà nước, diện tích lúa sạ theo khóm sẽ nhanh chóng được nhân rộng./.

Bình luận