HTX của những phụ nữ nuôi trùn quế
Khu nuôi trùn quế, khu sản xuất phân bón hữu cơ nằm trong không gian vườn tược với đầy những cây cối, tiểu cảnh. Đan xen với đó là những Bungalow, khu vui chơi, hồ sen được sắp xếp, thiết kế tỉ mỉ khiến cho du khách tham quan phải xuýt xoa.
Phạm Thị Thanh Tuyền (32 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương) có thân hình mảnh mai bước đi thoăn thoắt. Vừa đi, nữ giám đốc vừa chia sẻ: “Tuy là khu sản xuất phân trùn quế nhưng tuyệt nhiên không phát sinh nước hay khí thải độc hại. Từ mô hình này, chúng tôi muốn giới thiệu đến người dân, du khách về công nghệ xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp để hướng đến bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ và thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn”.
Phạm Thị Thanh Tuyền sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong những xã có truyền thống sản xuất các loại rau, củ, quả, các loại cây công nghiệp như cà phê, bơ và chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi heo... Tuổi thơ gắn liền với ruộng vườn và từng chứng kiến cảnh môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các phế phụ phẩm nông nghiệp nên Tuyền luôn đau đáu tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Năm 2018, sau khi nắm bắt các thông tin về mô hình sản xuất phân trùn quế ở huyện Củ Chi (TP.HCM), Tuyền tìm đến các cơ sở này tham quan và học hỏi. “Hồi đó, việc sản xuất phân trùn quế chưa phổ biến nên khi tôi nêu ý tưởng thực hiện mô hình với những người ở địa phương thì không ai ủng hộ. Thậm chí có người còn thẳng thừng nói: "Mày làm mấy cái chuyện rảnh”. Tuy gặp sự phản đối từ người thân, bạn bè nhưng với niềm tin vào giải pháp mới, Tuyền đã bỏ tiền mua giống trùn quế và đưa về phát triển thử nghiệm trên diện tích ô nuôi 20m2.
Tuyền sử dụng nguồn phân bò và các loại phế phụ phẩm như rau, củ, quả từ khu vườn của gia đình làm thức ăn cho trùn quế. Sau nhiều tháng, khu nuôi trùn quế đạt hiệu quả và cho ra mẻ phân bón hữu cơ trùn quế đầu tiên. Nguồn phân bón này được cô sử dụng bón cho cây trồng tại vườn để giảm chi phí đầu vào trong canh tác.
Cô gái 32 tuổi tâm sự: “Hồi đó, mô hình nhỏ nhưng đã có hiệu quả. Toàn bộ phế phụ phẩm từ khu vườn của gia đình được xử lý một cách sạch sẽ, không còn đổ bỏ gây ô nhiễm môi trường như trước. Đặc biệt, gia đình tiết kiệm được một phần tiền phân bón”.
Từ hiệu quả bước đầu, Tuyền tìm gặp các hộ dân tại địa phương để phân tích về hiệu quả của mô hình phân trùn quế và khuyến khích đầu tư sản xuất. Đến năm 2019, có 9 phụ nữ tại địa phương đã quyết định đồng hành cùng Tuyền và Hợp tác xã Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương được hình thành. Tiếng lành đồn xa, đến nay, Hợp tác xã đã có sự tham gia chính thức của 13 phụ nữ và xây dựng được chuỗi liên kết với 21 hộ dân trong khu vực.
Quy mô khu nuôi trùn quế của Hợp tác xã Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương ban đầu chỉ khoảng 400m2, đến nay đã được mở rộng lên 1.500m2. Ngoài ra, Hợp tác xã cũng hướng dẫn cho các hộ liên kết xây dựng các mô hình tại nhà để thuận tiện cho sản xuất.
Lan tỏa nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ
Hiện nay, Hợp tác xã Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương tổ chức xây dựng mô hình nuôi trùn quế với nhiều phân khu khác nhau, bao gồm khu nuôi, khu xưởng sơ chế, đóng gói phân bón và khu chiết xuất các loại dịch trùn quế (loại dùng để tưới, bón cho cây trồng). Nhiều loại máy móc hiện đại cũng được đơn vị đầu tư.
Hợp tác xã xây dựng ô nuôi bằng tường gạch cao 0,5- 0,8m, rộng 1,2 - 1,8m và hệ thống khung mái, phần nền được tráng nhám để đảm bảo việc thoát nước và lót bạt.
Sau khi đảm bảo về ô nuôi, Hợp tác xã tiến hành thu gom phân bò, phân heo, rau, củ, quả phế phẩm từ các hộ thành viên, các hộ nông dân trong vùng về xử lý. Đối với phân bò, phân heo phải trải qua quy trình phối trộn, xử lý vi sinh theo thời gian quy định trước khi đưa vào ô nuôi trùn quế.
Để trùn quế phát triển, Hợp tác xã áp dụng cả hình thức cho ăn chìm và ăn nổi. Trong đó, quy trình cho ăn chìm buộc phải ủ phân bò, phế phụ phẩm theo khung thời gian và kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm để thả trùn giống. Đối với mô hình cho ăn nổi, mỗi tuần, Hợp tác xã tổ chức cho các loại phế phụ phẩm nông nghiệp lên bề mặt ô nuôi từ 2 - 4 lần.
Sau 3 tháng nuôi, Hợp tác xã tổ chức thu gom phân trùn quế một lần và chuyển qua công đoạn phân tách, khử ẩm, đóng gói. “Việc sản xuất phân trùn quế không quá khó và mang lại nhiều lợi ích. Sản phẩm trùn quế có thể dùng làm thức ăn cho chăn nuôi gia cầm, thủy sản, còn phân trùn quế sử dụng rất tốt cho việc trồng trọt”, chị Phạm Thị Thanh Tuyền cho biết.
Thanh Tuyền cũng chia sẻ kinh nghiệm, trong quá trình nuôi trùn quế, phải đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, giảm ánh sáng. Đặc biệt, phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn dế, kiến, rắn mối… vì đây là những thiên địch của trùn quế.
Hiện nay, mỗi năm Hợp tác xã Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương trực tiếp xử lý khoảng 235 tấn phân bò, phân heo và khoảng 350 tấn phế phụ phẩm nông nghiệp là rau, củ, quả các loại. Nguồn sản phẩm cuối cùng của quy trình bao gồm phân bón hữu cơ, trùn quế, dung dịch trùn quế. Các sản phẩm này được chuyển một phần cho các hộ thành viên của Hợp tác xã và các hộ dân liên kết đưa vào sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí đầu tư. Phần còn lại được Hợp tác xã phân phối ra thị trường.
“Hợp tác xã định hướng sẽ liên kết thêm với các hộ chăn nuôi, trồng trọt tại địa bàn huyện Đơn Dương để mở rộng mô hình. Đặc biệt, chúng tôi cũng mong muốn chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân trùn quế cho các nông hộ trên địa bàn để người dân trực tiếp sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ”, chị Phạm Thị Thanh Tuyền chia sẻ. Cùng với đó, Hợp tác xã cũng sẽ liên kết với các hộ dân trong vùng xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, quảng bá mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Chị Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương cho biết, hiện tại, mỗi năm đơn vị cung ứng ra thị trường từ 150 - 160 tấn phân trùn quế với giá 150.000 đồng/bao 25kg; cung ứng khoảng 600 - 800 lít dung dịch trùn quế với mức giá 100.000 – 150.000/lít. Ngoài ra, Hợp tác xã cuncg cung ứng khoảng 5 - 7 tấn trùn giống với giá khoảng 20.000 đồng/kg.
Minh Hậu - Phương Chi