Chính phủ đưa nhiều đề xuất trong dự thảo Luật Đất đai

Bình luận · 186 Lượt xem

Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (Khóa XV) đã thiết kế quy định về phân loại đất trên cơ sở kế thừa Luật Đất đai các thời kỳ.

 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (Khóa XV) đã thiết kế quy định về phân loại đất trên cơ sở kế thừa Luật Đất đai các thời kỳ nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống pháp luật và hồ sơ địa chính.

 

Để đảm bảo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất chặt chẽ, có hiệu quả, tại Chương XIII có một số điều quy định về chế độ sử dụng đất cho một số mục đích sử dụng đất chi tiết mang tính đặc thù như: Đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng; đất xây dựng khu chung cư; đất sử dụng để chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn hoặc sử dụng đất trong các khu chức năng đối với đất sử dụng cho khu kinh tế, đất sử dụng cho khu công nghệ cao hoặc một số loại đất chi tiết như: Đất cảng hàng không, sân bay dân dụng, đất đường sắt thuộc đất giao thông...

 

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo cũng đã chỉnh lý tên Chương XIII từ “Chế độ sử dụng các loại đất” thành “Chế độ sử dụng đất” để đảm bảo phù hợp với nội dung các điều luật trong Chương.

 

Về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại văn bản số 7269- CV/VPTW, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoàn thiện quy định về chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành địa phương.

 

Theo đó, dự thảo đã bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với “Vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số”; trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 16); sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm (khoản 2 Điều 34), Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 2, giữ như quy định tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (khóa XV) đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm có đầy đủ quyền như các tổ chức kinh tế khác thuê đất trả tiền hằng năm, bao gồm cả quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê nhằm giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động trong việc sử dụng tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của đơn vị để huy động vốn, hợp tác, thực hiện các hoạt động kinh tế theo năng lực, đảm bảo tự chủ tài chính trong hoạt động, giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ quyền sử dụng đất là tài sản công, Chính phủ đề nghị bỏ quyền bán hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm của đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất ở (điểm g khoản 1 Điều 28 và khoản 1 Điều 44), Chính phủ đề nghị đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước). Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ như quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 5 Điều 4 theo hướng: Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này.

 

Theo đó, với các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trả tiền hằng năm (khoản 2 Điều 121), Chính phủ thống nhất với quy định về các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 121: Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; công trình công cộng có mục đích kinh doanh; sử dụng đất thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng.

 

Về phương pháp định giá đất (Điều 159), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề nghị dự thảo chi tiết các phương pháp định giá đất gồm: So sánh, thặng dư, thu nhập, hệ số điều chỉnh. Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất phổ biến trên thị trường.

 

Việc Quốc hội dự kiến thông qua Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết những điểm nghẽn về chính sách đối với nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.

 

Văn Việt

Bình luận