Đa dạng sản phẩm OCOP
Huyện Di Linh (Lâm Đồng) là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp với diện tích gieo trồng trên 60 nghìn ha, trong đó cây trồng chủ lực là cây cà phê với trên 45 nghìn ha, sản lượng đạt trên 150 nghìn tấn và nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: sầu riêng, bơ, mắc ca, bưởi da xanh, chè… Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) luôn được các cấp, ngành và người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, phát triển.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Di Linh, đến nay, huyện có 13 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó bao gồm cà phê, cây cảnh nội thất, hạt mắc ca sấy, sầu riêng quả, bưởi da xanh...
“Kế hoạch, trong năm 2023 huyện Di Linh phát triển 19 sản phẩm OCOP và đến hiện tại có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Những tháng cuối năm, địa phương hoàn thiện để đến hết năm có thêm 14 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên”, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Di Linh nói và cho biết thêm, đến năm 2025, địa phương phấn đấu đảm bảo mỗi xã, thị trấn Di Linh có ít nhất 1 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên.
Đồng thời hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản của huyện tham gia quảng bá sản phẩm OCOP tại Tuần lễ văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng, tham gia triển lãm tại Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM toàn quốc do Trung ương tổ chức tại tỉnh Nam Định. Đồng thời tham gia triển lãm hội nghị nông nghiệp hữu cơ tỉnh Lâm Đồng, tham gia các sự kiện và quảng bá sản phẩm OCOP nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt năm 2022.
Xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP
Huyện Di Linh xác định Chương trình OCOP góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm đặc sản, truyền thống địa phương. Góp phần khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, đặc biệt là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập… Do vậy, huyện Di Linh tiếp tục xây dựng Chương trình OCOP theo hướng triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện.
Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn người dân, hộ cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã... về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Huyện Di Linh cũng tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ sản phẩm nông nghiệp của huyện và hỗ trợ các chủ thể lập hồ sơ, hoàn thiện các tiêu chí để được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Di Linh, địa phương cũng lên phương án đề xuất phát triển các điểm bán hàng sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của huyện tại các địa điểm trên các trục Quốc lộ 20, Quốc lộ 28 qua địa bàn và các khu du lịch, điểm dừng chân, trung tâm huyện... để quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ nông sản của huyện. Huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mở các cửa hàng giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt các sản phẩm OCOP.
Song song với đó, huyện Di Linh tổ chức hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hình thức như: sàn giao dịch, thương mại điện tử, triển lãm, hội chợ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được tham quan học tập, tham gia các hội chợ, triển lãm về nông nghiệp ở trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Minh Hậu