Lúa nếp đen - lương thực và văn hóa của người Mường

Bình luận · 195 Lượt xem

Gạo lúa nếp đen thường được sử dụng trong các dịp trọng đại của làng, của xã. Lúa nếp đen vừa là lương thực, vừa là một nét văn hóa của dân tộc Mường.

Chúng tôi đến thăm cánh đồng lúa ở thôn Hợp Thành, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) vào những ngày cuối thu. Thời điểm này, hầu hết những cánh đồng lúa ở khắp các địa phương trong huyện Trấn Yên đã thu hoạch xong. Vậy mà trên cánh đồng thôn Hợp Thành, hàng chục ha lúa nếp đen của người dân mới đang trong giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi, khoảng nửa tháng nữa bà con mới bắt đầu thu hoạch.

 

Đặc sản của người Mường

Ông Phùng Tiến Hiển - Phó Chủ tịch xã là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất thôn Hợp Thành. Ông Hiển vừa đi vừa kể về giống lúa nếp của dân tộc mình với giọng đầy tự hào: “Từ khi tôi sinh ra đã thấy người dân trong làng cấy giống lúa này, người dân tự gieo cấy, để giống, lưu giữ từ đời này sang đời khác.

 

Mỗi buổi sáng thức dậy, đi trên cánh đồng lúa có thể cảm nhận thấy hương thơm man mác dễ chịu. Đặc biệt vào thời điểm lúa trỗ bông, phơi màu hoặc khi lúa chín, mùi thơm tỏa ra càng ngào ngạt. Gạo lúa nếp đen thường được sử dụng trong các dịp trọng đại của làng, của xã như lễ hội, ngày rằm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Lúa nếp đen vừa là lương thực, vừa là một nét văn hóa của dân tộc Mường".

 

Chúng tôi đến thăm ruộng lúa của gia đình ông Đinh Công Tuyên ở thôn Hợp Thành. Vụ mùa năm nay, gia đình ông Tuyên gieo cấy gần 5 sào lúa nếp đen, đến thời điểm này, ruộng lúa đang giai đoạn vào chắc, đỏ đuôi, khoảng 10 ngày nữa sẽ được thu hoạch. Theo ông Tuyên, năm nay lúa được mùa, dự ước năng suất đạt 1,5 tạ/sào. Năng suất lúa nếp đen không cao như các giống lúa lai, thời gian sinh trưởng kéo dài nhưng giá cao gấp 3 lần (từ 30.000 đồng/kg trở lên).

 

 

"Không biết giống lúa nếp đen có từ bao giờ, vài chục năm về trước đã thấy các cụ trong làng gieo cấy giống lúa này để làm bánh chưng vào mỗi dịp Tết. Trong thôn, mỗi hộ dân chỉ gieo cấy vài thước đến vài sào để làm lương thực phục vụ cuộc sống hàng ngày. Sau vụ thu hoạch, bà con lại chọn những bông lúa to, mẩy hạt, chắc đều mang về phơi khô, quạt sạch để làm giống cho vụ sau. Cứ thế, lưu truyền và gìn giữ qua bao thế hệ ở vùng đất này", ông Tuyên kể.

 

Từ tự cung tự cấp trở thành hàng hóa

Điều đặc biệt của giống lúa nếp đen của người Mường ở vùng đất này là không gieo cấy được trong vụ chiêm vì thời tiết lạnh, cây lúa lên xanh tốt nhưng không ra đòng, ra bông. Từ xưa các cụ đã gieo cấy thử ở vụ chiêm nhưng không được thu hoạch nên về sau không còn ai gieo cấy trong vụ này nữa. Vụ mùa là vụ duy nhất trong năm bà con gieo cấy lúa nếp đen, thường được gieo cấy vào tháng 5 và thu hoạch vào tháng 9, tháng 10 âm lịch.

 

Theo kinh nghiệm của đồng bào Mường ở đây, khi cây cõng ra chồi, cây sảng trên rừng ra quả thì bắt đầu gieo mạ, chuẩn bị đất để gieo cấy. Ngày nay, căn cứ theo lịch, việc gieo cấy sẽ hoàn thành trước ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch). Cây lúa sinh trưởng trong 5 tháng thì được thu hoạch, năng suất từ 1,2 – 1,5 tạ/sào. Sau vụ thu hoạch, người dân trong làng lại chọn những mẻ gạo đẹp và thơm nhất nấu xôi kính dâng lên đình làng trong lễ mừng cơm mới.

 

Chị Đinh Thị Thanh – Trưởng thôn Hợp Thành cho biết: Trước đây mỗi hộ dân chỉ gieo cấy vài thước nhỏ để lấy gạo gói bánh chưng trong dịp Tết Nguyên đán nhưng hiện nay, diện tích gieo cấy lúa nếp đen trong thôn ngày càng được mở rộng. Cả thôn hiện đã có gần 20ha, được gieo cấy thành vùng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cho bà con.

 

Xây dựng sản phẩm OCOP, vươn thị trường xa

Hiện nay, tại xã Quy Mông đã thành lập HTX Nếp đen đặc sản Quy Mông, thành viên của HTX là các hộ gieo cấy lúa nếp đen. HTX chính là cầu nối hỗ trợ các hộ gia đình về giống, kỹ thuật sản xuất với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, từng bước chuyển đổi phương thức canh tác từ nhỏ lẻ sang hàng hóa tập trung, thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, sản phẩm lúa, gạo sau thu hoạch cung cấp chủ yếu tại địa phương và các xã lân cận.

 

Anh Phùng Tiến Hiển – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Giống lúa nếp đen của dân tộc Mường là giống lúa thuần có đặc điểm cây cao, bông lúa đều, tỷ lệ hạt chắc cao. Chất lượng cơm dẻo, thơm lâu nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Từ lúa nếp đen có thể chế biến ra rượu nếp, xôi, các loại bánh... Thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, đặc biệt được nhiều thương lái đặt hàng trước khi nông dân thu hoạch, thậm chí đến thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá từ 30.000 đồng/kg trở lên. Giá trị thu nhập cao gấp 2 - 3 lần các giống lúa khác.

 

Trong tháng 10/2023 , sản phẩm lúa nếp đen của xã Quy Mông vừa được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. Chính quyền xã đang hoàn thiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu, tem nhãn bảo hộ, xây dụng mẫu mã bao bì, nhãn mác riêng để xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Hiện nay, chính quyền xã đang phối hợp với các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân gieo cấy, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ và bán hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc trừ cỏ mà thay vào đó là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và làm cỏ theo phương pháp thủ công. Từ đó, gìn giữ và nâng cao chất lượng đặc thù cho sản phẩm về mùi thơm đặc trưng, hạt gạo tròn, có màu trắng ngà và hàm lượng dinh dưỡng cao.

 

Bên cạnh đó, đảm bảo quy định về nguồn gốc, các chỉ tiêu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cách thức đóng gói, vận chuyển, bảo quản sản phẩm. Đây chính là chìa khóa quan trọng để đưa sản phẩm gạo nếp đen có mặt rộng rãi ở các siêu thị và các thị trường xa hơn.  

 

Thanh Tiến

 

 

Bình luận