Tiến bộ kỹ thuật giúp nghề dâu tằm '2 giảm, 3 tăng'

Bình luận · 169 Lượt xem

'2 giảm, 3 tăng' gồm: Giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động; tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm.

Diện tích cây dâu tằm của huyện Trấn Yên (Yên Bái) hiện khoảng gần 900ha. Một số xã có vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung lớn như Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Y Can, Quy Mông và Hòa Cuông. 

 

Nhiều giống dâu mới đưa vào sản xuất

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên cho biết: Toàn huyện có hơn 1.500 hộ trồng dâu, nuôi tằm. Với sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, đến nay, đã có hàng trăm hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc lựa chọn giống, trồng, chăm sóc dâu, kỹ thuật nuôi tằm, lên né, thu hoạch… Quy trình nuôi tằm của bà con ngày càng hiện đại, giúp người dân “2 giảm, 3 tăng”: Giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động; tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm. 

 

Những năm qua, huyện Trấn Yên liên tục đưa vào thử nghiệm, xây dựng mô hình trồng nhiều giống dâu mới do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương lai tạo như: Giống dâu lai trồng bằng hạt VH9, VH13, VH15, GQ2; giống dâu nhập nội như Hà số 7, Sa Nhị Luân, Quế ưu. Hiện nay, vùng nguyên liệu dâu tập trung đã lựa chọn được các giống dâu phù hợp, chủ yếu là giống Sa Nhị Luân, GQ2, Quế ưu (chiếm trên 70% diện tích). Những giống dâu này có ưu điểm lá to, dày, nhiều dinh dưỡng, cho chất lượng kén tằm tốt.

 

Ngoài ra, trong trồng dâu, ngành nông nghiệp địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng đảm bảo mật độ tiêu chuẩn, tuân thủ tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sử dụng phân bón chuyên dụng NPKS (14-5-6+5S+TE) giúp cây dâu cân bằng dinh dưỡng, sinh trưởng tốt, lá dày, nhiều nhựa, giúp nuôi tằm hạn chế dịch bệnh.

 

Đối với việc nuôi tằm, hiện nay bà con đã áp dụng hiệu quả mô hình nuôi tằm 2 giai đoạn gồm nuôi tằm con tập trung và nuôi tằm lớn. Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, chủ cơ sở nuôi tằm con tập trung ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) cho biết: “Trước đây, khi chưa có nhà nuôi tằm con, việc nuôi tằm cả 2 giai đoạn khiến nhiều hộ nuôi tằm thất thu, bởi nuôi tằm con rất khó, không đảm bảo vệ sinh, không đúng kỹ thuật tằm bị bệnh sẽ hỏng hết cả lứa. Do đó, nhà tôi đã nuôi tằm từ tuổi 1 đến tuổi 3, sau đó cung ứng cho các hộ nuôi tằm lớn từ tuổi 4. Các hộ sẽ nuôi thêm 1 tuần là tằm chín, lên né được thu hoạch, hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình nuôi tằm con”. 

 

Phấn đấu xây dựng vùng dâu tằm 1.000ha

Từ năm 2020, Trung tâm Dịch vụ - Hỗ trợ Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên đã ứng dụng thành công mô hình nuôi tằm trên giàn khay trượt. Mô hình này tiết kiệm được 30% diện tích làm nhà tằm; giảm công chăm sóc, nuôi tằm; điều chỉnh được tiểu khí hậu trong nhà nuôi tằm, hạn chế thời tiết nồm ẩm vụ xuân; tưới được nước lên nền nhà khi thời tiết nóng nên nuôi tằm ít bị bệnh, tăng năng suất, chất lượng kén tằm. 

 

Bà Nguyễn Thị Huân - Giám đốc HTX Dâu tằm xã Quy Mông cho biết: Việc áp dụng nuôi tằm bằng khay trượt cho hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống, giúp hộ nuôi tằm giảm thiểu công lao động, không phải bê nong lên xuống. Ngoài ra, nuôi tằm bằng khay trượt tiết kiệm được diện tích, giúp cho hộ nuôi tằm tăng năng suất, sản lượng trong cùng một diện tích phòng nuôi.

 

Một trong những khâu quan trọng trong quy trình nuôi tằm là việc sử dụng né để tằm quấn kén. Hiện trên 90% hộ dân trong huyện đã sử dụng né gỗ ô vuông thay thế cơ bản các loại né trước đây, giảm công lao động, giảm tình trạng kén đôi, tỷ lệ kén tốt cao, kén trắng và bán được giá cao. 

 

Ông Nguyễn Văn Hà ở thôn Lan Đình (xã Việt Thành) chia sẻ: Né gỗ ô vuông có nhiều ưu điểm vượt trội như dễ làm, không phải cắm né, giảm thời gian thu kén, chỉ cần khoảng 3 phút để thu hoạch một né (so với né tre phải mất 20 phút trở lên). Mỗi con tằm quấn kén trong một ô riêng nên kén đều hơn, màu kén đẹp, giá trị cao hơn.

 

Ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên cho biết, chỉ còn khoảng gần 1 tháng nữa, vụ tằm dâu năm 2023 sẽ chính thức khép lại. Đến thời điểm này, có thể khẳng định đây là năm thắng lợi nhất của người trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên cả về năng suất, sản lượng và giá kén.

 

Từ khi có nhà máy chế biến kén tằm tại xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên), giá kén luôn ổn định ở mức cao, từ 150.000 – 170.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, sản lượng kén toàn huyện Trấn Yên đạt trên 1.250 tấn, cả năm sản lượng kén ước đạt trên 1.400 tấn, giá trị trên 200 tỷ đồng. Huyện đang tiếp tục phấn đấu mở rộng diện tích trồng dâu phục vụ nuôi tằm đến năm 2025 lên 1.000ha; phấn đấu sản lượng kén tằm hàng năm đạt trên 2.000 tấn, giá trị trên 300 tỷ đồng.

 

 

Thanh Tiến

 

 

Bình luận