Phúc lợi động vật - chìa khóa mở ra nhiều cơ hội

Bình luận · 189 Lượt xem

Dù luật đã quy định, nhưng phúc lợi động vật vẫn là khái niệm người chăn nuôi chưa mấy để tâm, trở thành bước cản lớn nếu muốn xuất khẩu sản phẩm động vật.

Phục lợi động vật mới chỉ đến được thú cưng

Ngành chăn nuôi nước ta đã đạt được những kết quả phát triển vượt bậc, đặc biệt là chăn nuôi lợn và gà. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thịt lợn đạt khoảng 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2022, sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1 triệu tấn, tăng gần 5% và trứng là hơn 9 tỷ quả, tăng hơn 4%.

 

Khi ngành chăn nuôi phát triển, mật độ chăn nuôi dày khiến môi trường sống của vật nuôi trở nên nghèo nàn hơn, người chăn nuôi dường như quên đi những bản năng vốn có của động vật.

 

Phúc lợi động vật được hiểu đơn giản là đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có, cho dù đó là con vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng, hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt. Chuồng nuôi là nơi để vật nuôi được thể hiện những bản năng cơ bản như chạy nhảy, nô đùa và được thể hiện những cảm xúc riêng.

 

TS Kate Blaszak, chuyên gia Tổ chức Humane Society Internationa (HSI) cho rằng, tại những quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, phúc lợi động vật đóng vai trò rất lớn, giúp nâng cao chất lượng chăn nuôi và tác động tích cực đến an ninh lương thực.

 

“Dường như chúng ta chỉ mới dừng ở việc đối xử tốt với động vật ở phạm trù thú cưng hay bảo tồn động vật hoang dã. Những loài động vật được nuôi làm thực phẩm hàng ngày như gà, vịt, lợn, dê, trâu, bò, ngựa… chưa được quan tâm”, TS Kate Blaszak mong mỏi.

 

 

Trên thế giới, phúc lợi động vật đã được luật hóa ở các nước và thực hiện rất chặt chẽ. Tại Hoa Kỳ, khái niệm phúc lợi động vật xuất hiện từ năm 1976, trong khi Trung Quốc đưa quy định này vào luật chăn nuôi năm 1998 còn châu Âu thực hiện vào năm 2007 và Hàn Quốc vào năm 2014... Tại Việt Nam, phúc lợi động vật được đưa vào Luật Thú y 2015 và Luật Chăn nuôi 2018.

 

“Dù luật đã quy định rất rõ, nhưng người chăn nuôi nước ta vẫn chưa coi trọng phúc lợi dành cho vật nuôi. Rất ít cơ sở chăn nuôi hiện đang áp dụng các quyền lợi căn bản cho động vật, từ ăn uống, nuôi nhốt, vui chơi đến khi vận chuyển đến các cơ sở giết mổ… Có lẽ, sẽ cần có những hướng dẫn và phải giúp người chăn nuôi hiểu thêm được những lợi ích từ đối đãi tốt với vật nuôi kĩ năng này mới được áp dụng phổ biến”, TS Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ.

 

Đồng quan điểm, bà Thẩm Thị Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia Humane Society Internationa (HSI) tại Việt Nam chia sẻ, thậm chí người chăn nuôi còn cho rằng còn quá nhiều thứ để lo thì phúc lợi động vật là điều chưa cần thiết. Thế nhưng, khi sản phẩm chăn nuôi đang bị cạnh tranh lớn, phúc lợi động vật như chìa khóa để mở ra nhiều cơ hội hơn.

 

“Phúc lợi đông vật giúp mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi cho thị trường trong nước ở phân khúc cao cấp hơn. Ở các nước trước đây người chăn nuôi rất khó tiếp nhận điều này nhưng nay dần trở thành xu hướng và quy chuẩn bắt buộc của người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm. Ở EU, trứng có dán nhãn tiêu chuẩn phúc lợi động vật sẽ có giá trị cao hơn nhiều so với trứng thông thường. Tôi nghĩ, người chăn nuôi nên ý thức về điều này và có những hành động cụ thể”, bà Thẩm Thị Hồng Phượng chia sẻ.

 

Chuyển từ chăn nuôi có nguồn gốc sang đảm bảo phúc lợi động vật

Để minh chứng cho câu chuyện phúc lợi động vật, TS Kate Blaszak, chuyên gia HSI khoe bức ảnh chàng thanh niên đang kiểm tra thật kỹ các thông tin về thịt heo trong siêu thị trước khi quyết định mua hay không. Đây là hình ảnh bình dị nhưng sẽ là xu thế trong tương lai gần của người tiêu dùng thông minh. Điều này đang được người dân tại châu Âu thực hiện.

 

“Đến một thời điểm, chúng ta sẽ không cần quan tâm liệu gia súc, gia cầm có được chăn nuôi ở nơi có nguồn gốc hay không bởi đó sẽ trở thành tiêu chí bắt buộc. Người tiêu dùng thông minh sẽ chuyển sang việc quan tâm đến động vật có được đối xử chu đáo hay không, được vận chuyển tốt đến cơ sở mổ nhân đạo không…”, TS Kate Blaszak chia sẻ.

 

Phải công nhận, Việt Nam ngày càng nhiều cơ sở chăn nuôi đầu tư hiệu quả cho môi trường sống của động vật. Thế nhưng, môi trường chỉ thông thoáng, sạch sẽ vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải tạo những đồ chơi cho động vật, kích thích heo chũi đất hoặc gà bới đồ như tập tính của chúng ngoài môi trường tự nhiên.

 

Theo TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, chăn nuôi hiện đại đang được chuyển hướng sang chăn nuôi văn minh. Ngoài lợi ích kinh tế của người chăn nuôi, lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phúc lợi vật nuôi cũng phải được quan tâm xứng tầm.

 

Hơn nữa, nhằm cụ thể hóa chiến lược xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Bộ NN-PTNT, cần thiết đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó bao gồm các nội dung về đảm bảo phúc lợi động vật.

 

"Ngành chăn nuôi muốn phát triển hơn nữa và hội nhập được với thế giới, nhất thiết chúng ta phải đưa phúc lợi động vật vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn sản xuất và xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và đạt yêu cầu xuất khẩu", TS Hạ Thúy Hạnh bày tỏ.

 

 

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam kiến nghị thêm: Nên đưa các tiêu chuẩn về tiêu chuẩn phúc lợi động vật tối thiểu với các trang trại. Đồng thời, các trang trại chăn nuôi hướng tới xuất khẩu cũng nên được lồng ghép nội dung an toàn sinh học và phúc lợi động vật.

 

Khi áp dụng các mô hình vật nuôi đảm bảo phúc lợi, vật nuôi sẽ có chất lượng thịt, trứng tốt hơn, giảm tối đa việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. “Chăn nuôi đảm bảo phúc lợi là hòa nhập với sự phát triển của khu vực và quốc tế”. TS Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh.

 

Với trang trại hơn 100.000 gà đẻ trứng, hiện Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh (tỉnh Bắc Giang) cũng thiết kế chuồng trại và chăn nuôi chú trọng phúc lợi động vật. Theo bà Bùi Thị Huyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty, từ khi áp dụng các quy tắc phúc lợi động vật thì đàn gà của trang trại cũng cho năng suất hơn, được nhiều siêu thị và các bếp ăn lớn đặt hàng làm nguyên liệu chế biến sản phẩm hàng ngày hơn.

 

Tại TP.HCM, Công ty Nhất Thống hiện đang nuôi gà, vịt, ngỗng đẻ trứng đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Cơ quan Nông nghiệp và Nông thôn châu Âu (EU Organic). Đàn gia cầm này không chỉ được nuôi bằng thức ăn sạch mà chúng còn được quan tâm đến đời sống tinh thần.

 

Anh Phạm Hữu Thời, Tổng Giám đốc Công ty Nhất Thống cho biết, ngoài chuồng trại thông thoáng đàn gà vịt được thỏa thích chạy nhảy, tắm nắng và vùi mình trong cát, tha thẩn đi bới tìm thức ăn tại bãi đất trống. Không những thế, gà có thể nhảy lên các sào đậu để ngủ vào ban đêm và vịt, ngỗng có ao nước để bơi lội.

 

“Đàn gà, vịt và ngỗng của chúng tôi không bị ép đẻ trứng liên tục như chăn nuôi công nghiệp. Nói không với kháng sinh trong chăn nuôi nên chúng tôi luôn phải giữ cho chuồng sạch, cao ráo, dễ thoát nước và phải có vùng đệm, hàng rào ngăn cách với bên ngoài”, anh Phạm Hữu Thời chia sẻ.

 

Do chăn nuôi theo chuẩn hữu cơ và ưu tiên phúc lợi động vật nên mỗi ngày Nhất Thống chỉ đủ cung cấp cho thị trường vài trăm quả trứng. Tuy nhiên, chất lượng thịt, trứng cao hơn nhiều so với chăn nuôi công nghiệp. Trứng gia cầm hữu cơ khác hoàn toàn về mùi vị, chất lượng.

 

5 tiêu chí đảm bảo phúc lợi động vật

Động vật không bị đói khát; Động vật không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần; Động vật không bị đau đớn, thương tật, bệnh tật; Động vật không bị sợ hãi và lo lắng; Động vật được tự do thể hiện các hành vi bản năng.

 

Lê Bình

 

Bình luận