Tham dự và chủ trì buổi toạ đàm có bà Nguyễn Thanh Thuý - Phó chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hậu Giang, GS.TS Trần Văn Hâu - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ cùng các đồng chí đại diện ngành nông nghiệp huyện Vị Thuỷ và UBND xã Vĩnh Trung cùng 50 nông dân trồng xoài trên địa bàn huyện Vị Thuỷ cùng tham dự.
Xoài là một trong những loại cây ăn trái hiện nay được bà con nông dân lựa chọn trồng nhiều trên địa bàn huyện Vị Thủy với diện tích 317,7ha riêng xã Vĩnh Trung hiện đang phát triển với sản phẩm xoài Cát hồng với diện tích khoảng 11ha. Tại buổi toạ đàm, bà con đã được GS.TS. Trần Văn Hâu trao đổi về vai trò của các chất dinh dưỡng đối với cây xoài, vai trò của vi sinh vật có lợi trong đất, các giải pháp hiệu quả cho cây cũng như quản lý một số sinh vật gây hại phổ biến trên cây xoài để đảm bảo năng suất, chất lượng theo hướng an toàn hiệu quả.
Trong phần thảo luận, nhiều nông dân đã đặt ra các câu hỏi xoay quanh về kỹ thuật trồng xoài, tuyển trái, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... và được các chuyên gia giải đáp tận tình. Ông Nguyễn Thanh Nhàn – Giám đốc HTX xoài Cát hồng Vĩnh Trung cho biết "HTX xoài Cát hồng Vĩnh Trung đã được cấp mã vùng trồng với diện tích 10,02 ha/9 hộ. Hiện HTX đang định hướng phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm vì thế chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia buổi tọa đàm này. Tại đây chúng tôi có thể nhờ các chuyên gia giải đáp những khó khăn vướng mắc của mình để từ đó yên tâm sản xuất và phát triển sản phẩm trong thời gian tới".
Kết thúc buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thanh Thuý đã tóm tắt lại các nội dung trọng tâm của buổi tọa đàm. Thông tin đến bà con những định hướng để phát triển cây xoài Cát hồng trên địa bàn huyện Vị Thuỷ nói riêng, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói chung trong thời gian tới. Đồng thời, thông tin đến bà con về tầm quan trọng của việc thiết lập mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc trong xuất khẩu.
Hình ảnh khác của buổi tọa đàm
Ảnh: GS.TS. Trần Văn Hâu - giải đáp các thắc mắc của nông dân.