Vượt qua trở ngại… Trước khi Việt Nam sản xuất thành công vacxin dịch tả heo Châu Phi, câu chuyện về việc ngăn chặn dịch

Bình luận · 196 Lượt xem

Để tái tạo nguồn lợi hải sản ở Vịnh Bắc bộ, ngoài các cơ quan Trung ương, các địa phương đã quan tâm hơn việc thả con giống các loài hải sản quý hiếm.

Bổ sung nguồn lợi hải sản thường niên

Nguồn lợi hải ở Vịnh Bắc bộ được đánh giá rất phong phú với 640 loài bắt gặp, nằm trong 143 họ thuộc 293 giống. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện nghiên cứu Hải sản, trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, trữ lượng nguồn lợi hải sản suy giảm hơn 50% là tín hiệu rất xấu cho sự phục hồi nguồn lợi ở vùng biển này ở thời điểm hiện tại.

 

Các cơ quan nghiên cứu khoa hoc về nghề cá đang tiếp tục khảo sát nghiên cứu ở vùng biển này trong thời gian tới để có những đánh giá chính sâu hơn về xu hướng biến động nguồn lợi hải sản ở vùng biển này theo thời gian làm cơ sở khoa học tư vấn cho các nhà quản lý có những chính sách bảo vệ, phục hồi và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản ở vùng biển Vịnh Bắc bộ.

 

Cùng với việc nghiên cứu, việc thả con giống không chỉ được các địa phương quan tâm mà có sự chung tay của các cơ quan Trung ương và các nước liên quan. Từ năm 2017 đến nay, tại vùng đánh cá chung trên Vịnh Bắc bộ, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức thành công 5 lần hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là hoạt động thường niên dựa trên cơ sở Biên bản ghi nhớ về “Hợp tác thả giống tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trênVịnh Bắc bộ” giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc.

 

Riêng năm 2023, lễ liên hợp thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Vịnh Bắc bộ được thực hiện trong tháng 5, đã có 30 giống thủy sản với hàng trăm triệu con giống thủy sản được thả tại khu vực biển của TP Đông Hưng (Trung Quốc) đã góp phần bổ sung đáng kể nguồn gen hải sản cho vùng biển này.

 

Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng nhằm phục hồi, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân, giúp phát triển bền vững kinh tế thủy sản, bảo vệ môi trường biển của hai nước Việt – Trung.

 

Theo Viện nghiên cứu Hải sản, hiện nay, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Việt Nam đã và đang được quan tâm và đầu tư kinh phí cho việc nghiên cứu, phát triển. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhiều chương trình, đề án, dự án quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đã và đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.

 

Điển hình như chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản; đề án mở rộng và thành lập mới các khu bảo tồn biển Việt Nam.

 

Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng. Qua đó sẽ giúp bổ sung, phát triển quỹ gen hải sản tự nhiên đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong việc bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy, hải sản.

 

Đưa hoạt động thả con giống thủy sản thành phong trào

Cùng với các nhà khoa học và các cơ quan Trung ương, hiện tại, các địa phương ven biển đang quyết liệt vào cuộc để tái nguồn lợi hải sản trên vùng biển Vịnh Bắc bộ. Ngoài việc hạn chế đánh bắt vào mùa sinh sản và thành lập những khu bảo tồn biển, các địa phương cũng quan tâm hơn việc thả các loài thủy, hải sản quý hiếm đều đặn, trở thành phong trào thường niên.

 

Tại Hải Phòng, hằng năm, Chi cục Thủy sản đã chủ trì tham mưu cho Sở NN-PTNT và UBND TP Hải Phòng bố trí nguồn lực để thả hàng triệu con giống thuỷ sản, hải sản nước mặn lợ và nước ngọt vào thuỷ vực tự nhiên. Cùng với đó là các dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái biển và nghiên cứu thành công dự án sản xuất, cung cấp giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

 

Với công trình nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống san hô trên bể và thử nghiệm trồng san hô tái tạo, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô tại khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác bảo tồn biển, giúp phục hồi và phát triển các rạn san hô, đồng thời góp phần nâng cao đa dạng sinh học và tái tạo nguồn lợi thủy sản quanh đảo, nhất là bổ sung nguồn lợi thủy sản cho ngư trường Bạch Long Vỹ.

 

Còn dự án sản xuất, cung cấp giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, được Viện nghiên cứu Hải sản triển khai thành công, hàng năm sản xuất và cung cấp khoảng 100.000 con giống. Hiện tại kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao lại cho huyện đảo để tiếp tục phục vụ cho công tác nuôi thương phẩm và thả giống bảo tồn tái tạo nguồn lợi tự nhiên.

 

“Hoạt động thả giống thủy sản mặn lợ vào vùng nước tự nhiên trên vùng Hải Phòng đã trở thành phong trào thường niên nhằm bảo tồn, phát triển quỹ gen thủy sản tự nhiên đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong việc bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, hình thành phong trào thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sự đa dạng sinh học trên một số thủy vực tự nhiên”, ông Lê Trung Kiên – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho hay.

 

Ở Quảng Ninh, thời gian qua, hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đã chuyển dịch từ tập trung chủ yếu ở cấp tỉnh sang phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt chính quyền cấp huyện, xã, các tổ chức và người dân.

 

Từ năm 2018 đến nay, hơn 35 triệu con giống thủy hải sản đã được các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh thả về môi trường tự nhiên. Cùng với đó, địa phương này cũng đã hoàn thiện quy hoạch khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần, tạo dựng bãi rạn nhân tạo để trồng cấy san hô tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô. Đồng thời triển khai 6 nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen ngán, sá sùng, tu hài, ốc đĩa, cá tráp vây vàng.

 

Cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh, tại các tỉnh ven biển Vịnh Bắc bộ việc tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản được thực hiện thường niên vào ngày truyền thống ngành thủy sản. Hàng năm tại 10 tỉnh, thành ven biển Vịnh Bắc bộ đều diễn ra việc thả con giống thủy, hải sản để tái tạo nguồn lợi, địa phương ít nhất cũng vài trăm nghìn con và nhiều nhất là hơn 2 triệu con. Riêng đợt tháng 3 năm 2023, tỉnh Thái Bình thả 320 nghìn con giống thủy sản, tỉnh Nam Định thả 1 triệu con, tỉnh Quảng Ninh thả 2,3 triệu con,….

 

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, để phát triển ngành thủy sản bền vững, những năm qua địa phương đã ban hành nhiều văn bản về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

 

Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh Thái Bình đều có kế hoạch tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động các tầng lớp nhân dân có những hành động thiết thực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

 

“Đây là hoạt động thiết thực được địa phương tổ chức thường niên nhằm tuyên truyền và lan tỏa đến đông đảo người dân về ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong đó có các hoạt động thả các loài thủy sản bản địa, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao”, ông Thụy chia sẻ.

 

Trên thực tế, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở nước ta được các địa phương trên cả nước quan tâm và tổ chức thực hiện hiện hàng năm, tập trung vào ngày truyền thống ngành thủy sản, ngày môi trường thế giới, dịp lễ Vu Lan, Phật Đản, góp phần quan trọng khôi phục nguồn lợi thủy, hải sản đã và đang bị khai thác quá mức tại các vùng nước ngọt tự nhiên cũng như trên vùng biển Vịnh Bắc bộ.

 

Trung bình mỗi năm, Việt Nam tổ chức thả khoảng 50 triệu con giống thủy sản các loại vào thủy vực tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá trà sóc, cá thát lát cườm, cá he vàng, cá lăng, cá mú chấm đen, tôm sú, cua xanh… Hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm, tham gia, hỗ trợ và hưởng ứng tích cực của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân, tín đồ tăng ni, phật tử và cộng đồng ngư dân.

 

Đinh Mười

 

 

Bình luận