Thành lập 26 tổ hợp tác nuôi vịt chuyên trứng theo chuỗi giá trị

Bình luận · 189 Lượt xem

Chuỗi liên kết giúp nông dân tham gia mô hình mua được thức ăn chăn nuôi thấp hơn thị trường 200 đồng/kg, bán trứng giá cao hơn thị trường 100 - 200 đồng/trứng.

Từ năm 2017 - 2020, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Vĩnh Long thực hiện Dự án xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt theo hướng giá trị gia tăng. Dự án mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước hình thành nghề nuôi vịt chuyên trứng theo chuỗi giá trị.

 

Giai đoạn 2021 - 2025, để tạo động lực cho người dân mạnh dạn phát triển, Trung tâm tiếp tục thực hiện Dự án nhân rộng mô hình với mục tiêu thành lập 26 nhóm tổ hợp tác với 231 hộ chăn nuôi. Các chính sách hỗ trợ từ nhà nước như hỗ trợ đầu tư mô hình, tập huấn kỹ thuật, thành lập nhóm liên kết sản xuất mới, liên kết đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

 

Thực tế cho thấy, tình hình dịch bệnh chăn nuôi nói chung và vịt để nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là dịch cúm gia cầm không chỉ gây thiệt hại cho chăn nuôi mà còn gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tiêu thụ các sản phẩm.

 

Bên cạnh đó, giá thức ăn ngày càng tăng trong khi giá trứng không ổn định, có thời điểm chỉ dao động 1.500 - 2.000 đồng/trứng, người nuôi không có lời, thậm chí thua lỗ. Vì vậy, mô hình tập trung hướng dẫn người nuôi chăn nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu rủi ro với chi phí hợp lý nhất.

 

Bà con được tập huấn nuôi theo hình thức "nhốt rọ" (Nuôi vịt quây lưới có kiểm soát-PV). Hai giống vịt đẻ đang được nuôi phổ biến ở ĐBSCL là vịt Triết Giang và vịt TC, giống vịt lai giữa vịt cỏ và vịt Triết Giang.

 

Trong đó, vịt Triết Giang là giống vịt siêu trứng nổi tiếng được nhập vào nước ta từ những năm 2005. Đây là giống vịt có thân hình thon, đầu nhỏ cổ dài, thích hợp với nhiều phương thức nuôi khác nhau.

 

Vịt có thể nuôi trên khô không cần bơi lội, nuôi nhốt kết hợp với nuôi cá thả đồng có khoanh vùng kiểm soát. Vịt có khả năng chống chịu bệnh rất tốt đạt tỷ lệ sống từ 90 - 92%. Một vịt mái có thể đẻ từ 247 - 258 trứng/năm, đẻ bền.

 

Theo đánh giá của nông dân Nguyễn Văn Sang, ở xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, mô hình nuôi "nhốt rọ" hạn chế dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt thấp. “Vịt con sau 4 tháng chăm sóc bắt đầu "rớt hột so" (đẻ trứng bói-PV). Từ tháng thứ 6 trở đi, vịt đẻ đều, trứng to, tỷ lệ đẻ đạt 85-90%”, ông Sang nói.

 

Cũng theo chia sẻ từ ông Sang, để nuôi vịt hiệu quả cần phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, nhất là cho ăn đầy đủ và định kỳ tiêm vacxin phòng bệnh như cúm gia cầm, tụ huyết trùng… Ngoài ra, người nuôi phải chú trọng vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên. Bên cạnh đó, có thể dùng đèn chiếu sáng bổ sung vào ban đêm (khoảng 3-5 giờ/đêm). Chiếu sáng hợp lý sẽ kích thích vịt đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống.

 

Ông Lại Văn Tèo, ấp Hòa Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, có thâm niên trong nghề nuôi vịt chạy đồng. Ông biết mô hình nuôi vịt chuyên trứng theo hình thức "nhốt rọ" do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Long triển khai hiệu quả nên tự nguyện viết đơn xin tham gia.

 

Ông được cán bộ kỹ thuật của dự án tập huấn kỹ thuật chăn nuôi từ xây dựng chuồng trại, úm vịt con đến nhận biết, phòng và trị các loại bệnh. Từ 500 con vịt được hỗ trợ ban đầu, đến nay đã phát triển lên 2.000 con. Mỗi đêm, vịt đẻ từ 1.600 - 1.800 trứng.

 

Thời điểm hiện nay, giá trứng vịt đạt khá, khoảng 2.500 đồng/quả nên mỗi ngày sau khi trừ chi phí nhà chăn nuôi này thu về khoảng 1 triệu đồng. 

 

Thông tin về mô hình này, ông Lâm Minh Khánh, Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi thú y và Nuôi trồng thủy sản, cho hay: “Hình thức chạy đồng sẽ có rủi ro cao hơn hình thức nuôi "nhốt rọ". Nuôi "nhốt rọ" giúp cải thiện ô nhiễm môi trường tránh lây lan dịch bệnh, kiểm soát được thức ăn, độ đồng đều trứng tốt hơn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.

 

Ông Lê Hải Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết: Năm 2023, Trung tâm tiếp tục triển khai 46 mô hình, 500 con/mô hình, đến nay, tại một số mô hình đã có vịt đẻ trứng.

 

Chăn nuôi vịt là nghề truyền thống của nông dân Vĩnh Long. Nghề này mang lại thu nhập đáng kể cho bà con, nhất là chăn nuôi vịt đẻ lấy trứng. Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng xác định vịt là một trong những đối tượng nuôi tiềm năng lợi thế, phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

 

Theo Cục thống kê Vĩnh Long, tổng đàn vịt của tỉnh có xu hướng tăng mỗi năm. Năm 2015, Vĩnh Long mới có 2,6 triệu con, đến 2020 tăng lên 3,6 triệu con. Từ năm 2020 đến nay, dù chăn nuôi khó khăn nhưng tổng đàn vịt ở Vĩnh Long vẫn ổn định, 9 tháng năm 2023, tổng đàn vịt là 3,9 triệu con. Mỗi đàn bình quân 500 đến 3.000 con.

Minh Đảm

 

 

Bình luận