Thanh toán bệnh lở mồm long móng: [Bài 2] Đổi vacxin giúp đảo cục diện

Bình luận · 66 Lượt xem

Mạnh dạn thay vacxin lở mồm long móng được xem là quyết định đúng đắn giúp thay đổi cục diện chống dịch FMD từ bị động sang chủ động của tỉnh Thanh Hóa.

Đổi vacxin dựa trên kết quả khoa học

Từ cuối 2018, đầu năm 2019, lần đầu tiên dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra ở lợn và lây lan diện rộng. Trước đây, các ổ dịch lở mồm long móng chủ yếu xuất hiện trên trâu, bò sau đó có lây sang lợn nhưng rất ít xảy ra và chỉ xảy ra trong diện rất hẹp.

 

Đầu tháng 12 năm 2018, ổ dịch bệnh lở mồm long móng đầu tiên xuất hiện tại huyện Nông Cống trên đàn lợn sau đó lây lan sang một số huyện trong tỉnh Thanh Hóa. Ngay khi nhận được thông tin dịch bệnh, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (nay là Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa) đã trực tiếp cùng cán bộ chuyên môn lên đường, lăn xả vào vùng dịch phối hợp với các địa phương chống dịch với phương châm bao vây nhanh, dập dịch gọn.

 

Thời điểm này, ngoài Nông Cống, liên tiếp các ổ dịch lở mồm long móng mới xuất hiện và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hơn 2 tháng quay cuồng chống dịch, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa và đầu mối cơ sở hầu như không có ngày nghỉ. Cũng dễ hiểu, tỉnh Thanh Hóa có tổng đàn vật nuôi thuộc tốp đầu cả nước, nên áp lực chống dịch đối với cán bộ chuyên môn không hề nhỏ.

 

Qua điều tra dịch tễ, phát hiện, dịch lở mồm long móng xuất hiện cả trên đàn trâu, bò, lợn đã được tiêm phòng vacxin có hàm lượng kháng nguyên 3PD50. Chỉ trong thời gian ngắn thiệt hại do bệnh lở mồm long móng khiến nhiều vật nuôi bị chết và phải tiêu hủy.

 

"Sau khi đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh, tốc độ lây lan dịch và các yếu tố dịch tễ chúng tôi đưa ra nhận định ban đầu: Bệnh lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn tỉnh lần này có thể do type khác, hoặc vẫn do virus lở mồm long móng type O, nhưng do phân type (chủng) khác. Tuy nhiên, khi thực hiện xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh vẫn do virus lở mồm long móng type O gây ra.

 

Sau đó, chúng tôi đặt thêm giả thiết, có thể do quy trình kỹ thuật tiêm phòng tại cơ sở có thể không đảm bảo nên hiệu quả tiêm phòng vacxin không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Tuy nhiên, khi cho thực nghiệm lại nhận thấy giả thiết này không có căn cứ, vì nhiều cơ sở chăn nuôi lợn, trâu, bò đã được tiêm đảm bảo quy trình kỹ thuật, đàn gia súc được tiêm rồi vẫn mắc bệnh lở mồm long móng”, ông Đặng Văn Hiệp nhớ lại.

 

Dịch xuất hiện và lây lan trên diện rộng không phải do type và phân type (chủng) mới, cũng không phải do quy trình kỹ thuật tiêm không đảm bảo, vậy thì chỉ có thể là do vacxin không còn phù hợp với virus gây ra dịch thời điểm này.

 

Sau khi nghiên cứu kỹ, cân nhắc và tham khảo kiến chuyên môn, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa quyết định thay đổi từ vacxin lở mồm long móng có hàm lượng kháng nguyên 3PD50 sang chống dịch bằng vacxin lở mồm long móng loại hàm lượng kháng nguyên gấp đôi 6PD50 để tiêm phòng bao vây ổ dịch trên địa bàn huyện Nông Cống.

 

Đây là loại vacxin hoàn toàn mới lúc bấy giờ, lần đầu tiên được triển khai tiêm diện rộng trên lợn, trâu, bò tại Thanh Hóa để bao vây chống dịch.

 

 

Theo ông Hiệp, vacxin lở mồm long móng 6PD50 ngoài khả năng tạo đáp ứng miễn dịch nhanh, mạnh và kéo dài hơn so với vacxin lở mồm long móng 3PD50, còn có thể nâng cao hiệu quả bảo hộ của vacxin đối với các chủng virus khác topotype. Hơn nữa, so với việc sử dụng vacxin trước đây, việc sử dụng vacxin 6PD50 vừa đem lại hiệu quả cao, vừa không gây stress cho động vật mang thai, đặc biệt đối với lợn nái.

 

“Chỉ sau 2 đến 3 tuần khi sử dụng, vacxin 6PD50 phát huy hiệu quả. Tốc độ lây lan các ổ dịch giảm dần và các ổ dịch dịch lở mồm long móng bắt đầu dừng và chúng tôi kiểm soát được ổ dịch. Sau khi vacxin phát huy hiệu quả, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo tiêm phủ trên diện rộng loại vacxin này tại các huyện có dịch. Hơn 2 tháng sau khi xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng đầu tiên, tỉnh Thanh Hóa đã kiểm soát được dịch”, ông Hiệp nhớ lại.

 

Cùng với quyết định thay đổi chuyển sang sử dụng loại vacxin lở mồm long móng 6PD50 để tiêm phòng bao vây ổ dịch... việc tiêm phòng lở mồm long móng trên địa bàn toàn tỉnh luôn đạt tỷ lệ cao, làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh lở mồm long móng trên vật nuôi. Bởi vậy, kể từ tháng 2 năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dịch lở mồm long móng được kiểm soát tốt và chưa xuất hiện ổ dịch nào. 

 

Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa là một trong số ít các địa phương khống chế, dập dịch lở mồm long móng sớm nhất cả nước: “Để đảm bảo an toàn vật nuôi, tỉnh Thanh Hóa luôn coi việc chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững", ông HIệp chia sẻ.

 

Tiêm đầy đủ vacxin kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học

Ông Nguyễn Viết Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Thăng Long chia sẻ, thời điểm xảy ra dịch lở mồm, long móng, xã có hơn 5.000 con lợn, trâu bò, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát dịch tốt, thiệt hại toàn xã chỉ khoảng 1 tấn, chủ yếu trên đàn lợn. 

 

“Với phương châm kiểm soát nhanh, dập dịch gọn, năm 2019, khi dịch lở mồm long móng xảy ra, chúng tôi lập 3 chốt kiểm dịch tại các thôn Ngư Long, Thành Long, Phúc Long. Ba chốt này đặt trên các tuyến đường chính kết nối với Tỉnh lộ 505, mỗi chốt 3 người trong đó có 1 công an viên. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã hầu như ăn ngủ tại các điểm chốt. Nếu phát hiện vật nuôi chưa được kiểm dịch hoặc có dấu hiệu mầm bệnh lập tức xử lý ngay tại chỗ.

 

Ngoài ra bộ phận chống dịch tại các thôn thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh. Nếu phát hiện ổ dịch thì phát loa thông báo và áp dụng các biện pháp phong tỏa, khoanh vùng, dập dịch nhanh trong phạm vi hẹp, tránh để người dân tự ý tiêu hủy hoặc bán lợn bệnh", ông Liêm chia sẻ.

 

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Phòng NN-PTNT huyện Nông Cống, trong công tác phòng chống dịch, mấu chốt vẫn là tiêm phòng, bởi nếu dịch được khoanh vùng, nhưng vật nuôi không được tiêm phòng đầu đủ thì thiệt hại sẽ không lường trước được.

 

Cũng theo bà Tình, để vừa làm tốt công tác chống dịch nói chung, chống dịch lở mồm long móng nói riêng, vừa giảm thiệt hại cho bà con, huyện Nông Cống đã áp dụng cách làm mới và phát huy hiệu quả trên thực tế: "Nếu theo phương pháp chống dịch cũ thì phải tiêu hủy cả đàn trong phạm vi ổ dịch.

 

Tuy nhiên, để giảm thiệt hại cho bà con, chúng tôi áp dụng tiêu hủy lợn theo ô chuồng đối với vật nuôi nhiễm bệnh, đồng thời cách ly vật nuôi khỏe mạnh ra khu vực khác để theo dõi nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh. Bởi vậy, năm 2019, đàn vật nuôi thiệt hại không đáng kể”, bà Tình chia sẻ.

 

 

Ông Lê Trọng Lộc, thôn Tân Giao, xã Thăng Long (Nông Cống, Thanh Hóa) nuôi 60 lợn thịt với 8 ô chuồng. Vài năm trở lại đây, trại lợn của gia đình ông ít bị tác động bởi dịch bệnh do thiết lập hệ thống hàng rào sinh học trong khu vực chuồng trại.

 

Đến nay hệ thống chuồng trại của gia đình ông vận hành tự động từ khâu cho ăn đến vệ sinh. Bất cứ ai muốn vào trại đều phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt từ sát trùng, thiết bị bảo hộ… nhằm đảm bảo không đem mầm bệnh từ nơi khác đến.

 

Cùng với đó, trung bình mỗi ngày, ông Lọc tiến hành phun độc khử trùng và rải vôi bột theo định kỳ tại khu vực quanh trang trại. Ngoài ra, lợn nhập về phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tiêm phòng vacxin dịch tả lợn, tai xanh, E Coli, tụ huyết trùng đầy đủ.

 

Tại vị trí đặt chuồng nuôi, ông Lọc xây dựng 2 hầm biogas, sử dụng diện tích mặt nước rộng tạo cảnh quang môi trường mát, trong lành cho toàn khu vực chuồng nuôi. Hiện nay, mỗi năm ông Lọc cung cấp ra thị trường hàng chục tấn lợn, sau khi trừ chi phí lời khoảng hơn 100 triệu đồng.

 

Nhờ chăn nuôi an toàn sinh học, gần 4 năm nay, trang trại lợn của gia đình ông chưa hề nhiễm bệnh, vì vật nuôi được tiêm đầy đủ vacxin và vệ sinh chuồng trại tốt, giúp tỷ lệ miễn dịch trên đàn lợn cao. Do đó, thương lái rất yên tâm khi nhập lợn của gia đình ông và trang trại chưa bao giờ bị ế hàng. 

 

 

Quốc Toản

 

 

Bình luận