Tại ấp 2 xã Thuận Hòa, mãng cầu gai đã được trồng phổ biến với tổng diện tích khoảng 120 ha. Trong đó, có cây đã cho trái hơn 10 và cây mới trồng được 2 tháng tuổi. Những năm qua, việc trồng và mua, bán mãng cầu gai đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây. Các sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu gai, mà tiêu biểu là trà mãng cầu đã trở thành một loại đặc sản của xã nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Xác định được tiềm năng của mãng cầu gai, những năm qua, các ban ngành nhất là Bí thư Huyện uỷ đã có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nhằm cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng cho loại trái cây này.
Triển khai dự án, ban chủ nhiệm đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ dân cách trồng và chăm sóc mãng cầu gai. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sâu bệnh cho cây và cập nhật nhật ký sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc ghi chép nhật ký sản xuất của nông hộ tham gia dự án. Đến nay, 25ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trong đó có 15ha mới thực hiện và gần 10 ha đã thực hiện dự án cống cái lớn cái bé, sau 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng mãng cầu gai được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho thành viên của Hợp tác xã mãng cầu xiêm Thuận Hòa, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, với quy mô 25ha, năng suất trung bình 30 tấn/ha.
Ngoài ra, dự án còn thử nghiệm tem điện tử QR code truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm mãng cầu gai. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông thường cho sản phẩm. Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Thuận Hòa huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang” triển khai thành công không chỉ mang lại hiệu quả cho riêng Hợp tác xã mãng cầu xiêm Thuận Hòa, mà đó còn là mô hình mẫu để nhân rộng cho trái mãng cầu xiêm và nhiều loại nông sản khác trên địa bàn tỉnh, giúp các sản phẩm này tự tin vươn xa.