Kon Tum chú trọng phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

Bình luận · 211 Lượt xem

Thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm tại các huyện Đông Trường Sơn của tỉnh Kon Tum.

Phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi được Kon Tum đặc biệt chú trọng. Ảnh: Phạm Mạnh Cường.

Phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi được Kon Tum đặc biệt chú trọng. Ảnh: Phạm Mạnh Cường.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét trên gia súc, gia cầm. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả tại 3 huyện vùng Đông Trường Sơn gồm: Kon Plông, Đắk Glei và Tu Mơ Rông giai đoạn 2021 - 2025. Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng phòng NN-PTNT, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện định kỳ đi kiểm tra thực tế tại các xã có ảnh hưởng do thời tiết để hướng dẫn, đôn đốc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét trên đàn vật nuôi trong thời điểm mưa, rét.

Quan kiểm tra thực tế, vào thời điểm không khí lạnh tác động mạnh, trên địa bàn tuy có rét, lạnh, nhưng nhờ chủ động làm tốt công tác phòng chống nên trên địa bàn 3 huyện chưa có gia súc chết do dịch bệnh, đói rét.

Để công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi đạt hiệu quả hơn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hướng dẫn cách phòng chống cụ thể, đặc biệt trong thời điểm biên độ nhiệt thay đổi trong ngày từ 5 - 7 độ C, nguy cơ dễ xảy ra tình trạng gia súc bị stress nhiệt, giảm sức đề kháng và mắc bệnh, chết.

Nhiều hộ dân đã ý thức hơn trong việc phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. Ảnh: Phạm Mạnh Cường.

Nhiều hộ dân đã ý thức hơn trong việc phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. Ảnh: Phạm Mạnh Cường.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người chăn nuôi theo các chuyên đề liên quan đến công tác chăn nuôi và phòng chống đói rét; hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc trong thời điểm mưa, rét; thu gom rơm rạ, cỏ khô; phương pháp trồng cỏ để dự trữ; chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc; nhận diện bệnh thường gặp trên trâu, bò trong thời điểm mưa, rét và các biện pháp phòng chống; hướng dẫn thực tế về phương pháp xây dựng chuồng trại và gia cố chuồng nuôi phòng tránh mưa, rét cho trâu, bò.

Nhờ chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, đã giúp người chăn nuôi ổn định sinh kế, hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước thay đổi nếp, cách làm, tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phòng chống đói, rét, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống.

Bình luận