Tại TP. HCM, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) phối hợp Công ty TNHH Thuốc Thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam và Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế (Viphavet) tổ chức Diễn đàn “Ngành trứng Việt Nam - Sẵn sàng hội nhập”. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà sản xuất trứng lớn của Việt Nam.
Ông Phan Văn Lục, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIPA cho biết, sản lượng trứng gia cầm giai đoạn 2018-2022 tăng trưởng bình quân 8,8%/năm. Trong đó, trứng gà chiếm 65% có mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn là 11%/năm. Sản lượng trứng gia cầm 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14 tỉ quả, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2022.
Hiện nay, người Việt tiêu thụ trung bình 180 quả trứng/người/năm, thấp hơn trung bình thế giới khoảng 20%. Tuy nhiên, mức tiêu thụ trứng của người Việt dự kiến sẽ tăng lên 220 quả/người/năm. Với dân số sẽ tăng trên 100 triệu dân, ông Lục khẳng định tiềm năng về thị trường tiêu thụ trứng của Việt Nam còn rất lớn.
Còn theo bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Khối phân tích ngành hàng AgroMonitor, lượng trứng gà công nghiệp thương phẩm xuất bán trong năm 2023 có thể đạt tới gần 10 tỉ quả. Sản lượng trứng thương phẩm của Việt Nam 2023 có thể đạt 18 tỉ quả, trong đó trứng gà đạt trên 14 tỉ quả (gồm 10 tỉ trứng gà công nghiệp và 4 tỉ trứng gà ta).
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia nhận định, ngành trứng Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng tốc cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu bởi những lợi ích tuyệt vời của trứng. Cơ hội xuất khẩu của ngành trứng Việt Nam cũng đang mở rộng khi nước ta đã ký nhiều hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức như: Kinh tế suy thoái, áp lực dịch bệnh, thiếu sự liên kết đầu vào - đầu ra, nhận định xã hội chưa đầy đủ và đúng đắn về giá trị dinh dưỡng vượt trội của trứng với sức khỏe con người…
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Gia cầm Hòa Phát cho hay, khi chăn nuôi gà đẻ, người chăn nuôi chịu rất nhiều rủi ro vì chi phí đầu tư lớn và kéo dài, cộng với thực trạng chăn nuôi theo xu hướng nhất thời, sản xuất giống ồ ạt, không tuân thủ tiêu chuẩn giống rõ ràng, nên đàn gà đẻ dễ phát sinh các loại bệnh khó trị như: Leukosis, bệnh do Mycoplasma (Mycoplasma gallisepticum, Mycoplasma synoviae), ảnh hưởng đến chất lượng trứng, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người chăn nuôi.
Trước những cơ hội, cũng khó khăn, thách thức đã cùng nhau phân tích và chỉ rõ, các đại biểu tham dự đã đề xuất VIPA bảo trợ thành lập Câu lạc bộ các nhà sản xuất trứng Việt Nam. Câu lạc bộ sẽ được thành lập với phương châm "Chia sẻ thông tin - cùng nhau hội nhập quốc tế".
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA nhấn mạnh: “Câu lạc bộ được thành lập với mục đích liên kết các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của hội viên. Đồng thời, hỗ trợ hội viên khai thác tiềm năng và thị trường trứng trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại”.
Cũng theo ông Sơn, đối tượng tham gia câu lạc bộ không giới hạn chỉ những doanh nghiệp, hội viên của VIPA mà có thể là bất cứ doanh nghiệp, doanh nhân nào trên địa bàn 63 tỉnh, thành trong cả nước, có mong muốn được tham gia vào Câu lạc bộ để liên kết để xúc tiến quảng bá thương hiệu.