Nuôi hươu sao, đầu ra ổn định, thu nhập cao

Bình luận · 299 Lượt xem

Mô hình nuôi hươu sao của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Triển, ở thôn Kim Bình, xã Hưng Thịnh là một trong những điển hình dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi hươu sao của ông Triển bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Mô hình nuôi hươu sao của ông Triển bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Từng là “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Triển ở xã Hưng Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) dù chịu khó trồng lúa, làm vườn, lao động nhưng cuộc sống gia đình vẫn chưa hết khó khăn.

Tìm hiểu trên sách báo cộng tham quan những mô hình những cựu chiến binh phát triển kinh tế, ông Triển nhận thấy, nuôi hươu sao lấy nhung là một hướng đi mới, hiệu quả ở nhiều nơi bởi chi phí thức ăn không nhiều, chủ yếu là cỏ, lá cây, lại ít rủi ro. Chính vì vậy, ông Triển quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại và mua hươu giống về nuôi.

Vừa nuôi vừa tìm tòi, học hỏi thêm, năm 2019, ông Triển mua cặp hươu giống giá 30 triệu đồng của một trang trại ở Tuyên Quang về nuôi. Để chủ động nguồn thức ăn cho hươu, ông Triển trồng thêm khoai lang trong vườn và chuyển đổi hơn 2 sào đất rau mầu sang trồng cỏ voi.

Ban đầu, khi mới bắt tay vào nuôi hươu, ông Triển cũng gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc. Sau đó, vừa nuôi vừa tìm hiểu thêm qua sách báo, truyền hình, có thời gian đi thăm quan, học tập ở các trang trại nuôi hươu trong và ngoài tỉnh, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.

Nguồn thức ăn của huơu chủ yếu là cỏ voi, khoai lang và phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Thanh Tiến.

Nguồn thức ăn của huơu chủ yếu là cỏ voi, khoai lang và phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo ông Triển, hươu sao là động vật rừng được thuần hóa nên có tập tính hoang dã, cần xây dựng chuồng trại nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn uống đầy đủ hươu sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. 

Sau quá trình nuôi, ông Triển nhận thấy hươu là loại động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, dễ thích nghi với điều kiện khí hậu, chỉ cần vệ sinh chuồng trại tốt, giữ ấm vào mùa đông và cung cấp đủ thức ăn là được.

Thức ăn của hươu sao chủ yếu là lá sung, cỏ voi, khoai lang và các phụ phẩm nông nghiệp. Giai đoạn hươu lên nhung, bồi bổ thêm thức ăn có làm lượng tinh bột cao như ngô, đỗ tương để nhung đạt trọng lượng, bán được giá.

So với các loại vật khác, hươu sao cho thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, người nuôi cũng cần chú ý đến các biểu hiệu hươu bị bệnh về đường ruột, như bụng chướng, phân lỏng... Khi có dấu hiệu trên, cần cho hươu ăn các loại thức ăn có vị chát như chuối xanh, lá ổi... để chữa bệnh.

Hươu đực nuôi 2 năm là bắt đầu cho thu hoạch nhung, được ông Triển nhốt vào các chuồng nuôi riêng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hươu đực nuôi 2 năm là bắt đầu cho thu hoạch nhung, được ông Triển nhốt vào các chuồng nuôi riêng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng ngày, ông Triển thường xuyên làm vệ sinh khu chuồng khô ráo, thức ăn ông lựa chọn các loại lá cây, cỏ tươi, sạch cho hươu ăn. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, sau hơn 3 năm, đàn hươu của gia đình ông Triển đã tăng lên 10 con, trong đó có 4 con hươu đực đã cho thu hoạch nhung.

Hươu đực nuôi 2 năm tuổi, bắt đầu có nhung, hươu cái 2 tuổi bắt đầu sinh sản. Trung bình mỗi đợt một con hươu cho khoảng 0,6 - 0,8kg nhung, tùy thể trạng từng con mỗi năm có thể cắt nhung từ 1 - 2 lần. Với giá nhung hươu hiện tại 20 triệu đồng/kg, gia đình ông Triển thu về gần 100 triệu đồng/năm.

Ông Triển chia sẻ, rất mừng là giá nhung hươu hiện luôn ổn định, có đến đâu bán hết đến đó. Nhu cầu mua nhung hươu làm thuốc rất cao, khách hàng thường đến đặt trước 1-2 tháng trước khi thu hoạch. Thời gian tới, ông Triển sẽ tiếp tục nhân đàn và mở rộng quy mô chuồng trại. Ngoài ra, ông sẽ nuôi hươu sinh sản bán giống cho các hộ dân có nhu cầu.

Bình luận