Đà Nẵng chật vật với 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao

Bình luận · 282 Lượt xem

Vì sao 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Đà Nẵng dù đã được quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư từ nhiều năm qua nhưng giờ vẫn nằm trên… giấy?

Khó tích tụ đất đai

 

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được tích hợp vào quy hoạch phân khu nông nghiệp công nghệ cao tại Hòa Vang thì vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương - Hòa Phong có diện tích 16,2 ha; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú (20,9 ha) và Hòa Khương (28,8 ha). Thành phố thống nhất chủ trương dùng nguồn ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào dự án và không thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, một số nhà đầu tư quan tâm, đề xuất dự án vào các vùng nông nghiệp công nghệ cao này, như Công ty cổ phần Y khoa Bác sỹ Gia đình với dự án "Nông trại sạch kết hợp với sinh thái Family Farm, Công ty cổ phần Eximline Jsc với dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm, Công ty TNHH tư vấn và kiến tạo cảnh quan VietPark với dự án Xây dựng trang trại hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên do các vùng này chưa được giải phóng mặt bằng, các thủ tục pháp lý đất đai vướng mắc, vì thế chưa dự án nào được triển khai.

 

Ông Trần Văn Mười, Hội Nông dân xã Hòa Khương cho biết, các vùng này hiện vẫn do nông dân có đất tại đó sản xuất, chưa có doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, việc cơ giới hóa còn thấp, năng suất, hiệu quả chưa cao. Một số mô hình ứng dụng nhà kính, hệ thống tưới tiêu… từ nơi khác về triển khai chưa phù hợp nên không phát triển được, trong khi công tác quy hoạch các vùng nông nghiệp thường nhanh thay đổi. Ông Mười đề xuất thành phố cần quy hoạch vùng nông nghiệp ổn định lâu dài trên 20 năm, đồng thời đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật vùng nông nghiệp công nghệ cao để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư cũng như giúp nông dân liên kết trong vùng sản xuất này.

 

 

Ông Phan Duy Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, dù thành phố đã quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến tường rào vùng nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên việc vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rất khó. Nông dân có đất trong vùng chỉ muốn bán đất để doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao, chứ tự mình đứng ra đầu tư, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì không dám. Tuy vậy, với doanh nghiệp muốn đầu tư thì phải bỏ chi phí thuê mua lại đất của người dân, mà chi phí này rất lớn. Đơn cử như ở vùng nông nghiệp công nghệ cao Hòa Phú, doanh nghiệp muốn đầu tư dự án vào khu đất 20 ha, khi đi khảo sát phải bồi thường tới 130 tỷ đồng nên họ không tham gia. Theo ông Phan Duy Anh, giải pháp khả thi nhất là thành phố thu hồi bồi thường giải tỏa một phần của vùng nông nghiệp công nghệ cao từ 5-10ha, sau đó giao cho địa phương kêu gọi doanh nghiệp liên kết để đầu tư hạ tầng, thiết bị, từ đó thí điểm, mở ra hướng phát triển cho các vùng nông nghiệp công nghệ cao.

 

Phải giải quyết 3 điểm nghẽn

 

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, 3 điểm nghẽn trong phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính là tích tụ đất đai, thu hút doanh nghiệp và cách thức đầu tư. Trong đó, khâu tích tụ đất đai là khó nhất. Ông Triết nói: Bây giờ doanh nghiệp đầu tư vào thì phải quy hoạch vùng đó, nhìn trên bản đồ là đất nông nghiệp, nhưng sờ vào là đất có sổ đỏ hết, cho nên giải tỏa đền bù chiếm tỷ trọng quá lớn, không thể hấp dẫn các nhà đầu tư được. Chủ trương của thành phố cũng đầu tư đến chân vùng nông nghiệp công nghệ cao chứ không đủ sức đầu tư cả hạ tầng bên trong vùng. Theo ông Triết, quy hoạch 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao và chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã lâu, nhưng đưa vào thực tiễn thì bất cập, mặc dù có Trung tâm nghiên cứu sinh học cả vùng duyên hải Nam Trung bộ đặt ngay tại Đà Nẵng. Nông dân mình muốn có doanh nghiệp tới đầu tư rồi tham gia vào đó chứ còn đứng ra tự làm chủ, ứng dụng công nghệ cao vào làm nông nghiệp thì ít, không có khả năng.

 

Sở dĩ nông dân ngại, không dám đứng ra đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bởi hiệu quả kinh tế, năng lực vốn, cũng như kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất đều chưa đảm bảo. Ông Triết kể, khi đi Đà Lạt thăm quan mô hình trồng rau hữu cơ rất hiệu quả, năng suất, đã đặt vấn đề có thể làm ở Đà Nẵng không, thì họ trả lời làm được, nhưng giá cao gấp 4 lần. Thay vì trồng ở Đà Nẵng họ đi mua về còn rẻ hơn, nguồn cung ổn định hơn. Chưa kể, miền Trung mưa bão nhiều, mình làm nhà bạt, nhà lưới rất đẹp, nhưng sau mùa mưa bão chi phí khắc phục hậu quả còn lớn hơn. Vì vậy, giữa câu chuyện quy hoạch, tổ chức thực hiện và hiệu quả kinh tế khi triển khai vùng nông nghiệp công nghệ cao phải tính toán, từ việc đầu tư thế nào, đưa sản phẩm nào phù hợp.

 

 

Nông dân thì có đất, nhưng làm nông nghiệp công nghệ cao cần bàn tay tham gia của doanh nghiệp, họ có trình độ tổ chức, quản lý sản xuất và nguồn lực đầu tư. Các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hòa Vang còn đang gặp khó cả về đầu tư nguồn lực của chính quyền lẫn sự tham gia của người dân. Đơn cử như việc đào tạo nghề cho nông dân để chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chính sách hỗ trợ, cơ sở vật chất dạy nghề của thành phố không thiếu, nhưng nhu cầu đi học của nông dân rất ít. “Mình nói ly nông bất ly hương nhưng gần như lao động trẻ, có tiềm năng đi làm xa hết. Cho nên nói ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp có khi không có người làm” - ông Triết nói.

Bình luận