Hà Nội: Nhiều cơ chế tạo đà phát triển kinh tế nông thôn

Bình luận · 183 Lượt xem

Thành phố ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp, đưa công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu hình thành vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao.

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị nông nghiệp, kinh doanh nông sản, tạo đà phát triển kinh tế vùng nông thôn và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. 

 

Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, thu hẹp và loại bỏ các khâu trung gian vốn là vấn đề nan giải nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ số đang từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành theo phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

 

Nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tư duy hợp tác, năng lực tiếp cận khoa học - công nghệ, song đây lại là hạn chế của nông dân - vốn vẫn gắn bó với phương thức sản xuất truyền thống.

 

Trước yêu cầu thực tiễn như trên, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 4098/QĐ-UBND, ngày 6-9-2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) nhằm đồng hành, hỗ trợ người nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 

Thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

 

Thành phố cũng đặt mục tiêu mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ... nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp...

 

Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Để hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UB, ngày 7/1/2022 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của thành phố. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp sẽ được quảng bá, giới thiệu lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) và Voso.vn (thuộc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel).

 

Tính đến tháng 6/2022, thành phố có 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, 50 hộ nông dân, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đông Anh đã bắt tay đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Nông dân được hướng dẫn từ cách tạo tài khoản, tạo kho hàng, đăng sản phẩm lên để bán, cách mô tả sản phẩm đến kinh nghiệm chốt đơn, xác định đơn hàng, chăm sóc khách hàng đối với các đơn hoàn thành.

 

Bên cạnh đó, Hội Nông dân TP phối hợp với Bưu điện Hà Nội rà soát, thu thập thông tin của tối thiểu 165.497 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật lên giới thiệu, bán sản phẩm nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và Agri-postmart.vn.

 

Các hộ nông dân sản xuất giỏi, tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu biểu với những loại nông sản an toàn, chất lượng, có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, các sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên lựa chọn tham gia sàn thương mại điện tử trước, trước mắt hoạt động được tổ chức triển khai thí điểm ở huyện Đông Anh và huyện Chương Mỹ.

 

Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã sử dụng công nghệ AI trong sản xuất nông nghiệp, lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G. Hệ thống này cập nhật được tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa…, giúp nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả.

 

Ông Hoàng Văn Vị (tổ dân phố Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: "Được Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tập huấn kiến thức canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gia đình tôi đã xây dựng 2.200m2 nhà lưới kết hợp với lắp đặt hệ thống tưới phun tự động để trồng rau. Để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thì chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng các hộ dân có thể sử dụng từ 3 đến 4 năm. Hiện, sản phẩm rau của gia đình được Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn bao tiêu với giá ổn định 8.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm".

 

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung phát triển các kênh xúc tiến thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số, theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia các hoạt động giao thương. Đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương trên các kênh thương mại điện tử và điểm du lịch trên địa bàn thành phố. 

 

Thảo Phương

 

Bình luận