Xã vùng cao 'đổi đời' nhờ quế hữu cơ

Bình luận · 219 Lượt xem

Thu nhập người dân cao và ổn định, đời sống sung túc, bộ mặt nông thôn khang trang... Tất cả đều nhờ vào cây quế, đặc biệt là cây quế hữu cơ.

Những biệt thự, đường làng khang trang nhờ cây quế

Về xã vùng cao Bản Cái (Bắc Hà, Lào Cai) bây giờ, những nương đồi trọc hay vốn chỉ trồng ngô, sắn, lúa nương trước đây đã được phủ xanh bởi cây quế. Những tuyến đường bê tông trắng vắt ngang lưng chừng đồi về bản thay thế đường đất mòn xưa. Bên các tuyến đường mọc lên những khu dân cư quần tụ, tập trung với những ngôi nhà, biệt thự vườn, nhiều nhà mua ô tô con, xe tải, xe máy và nhiều tiện nghi đắt tiền... 

Nông thôn mới vùng cao Bản Cái- Bắc Hà ngày một khởi sắc

Nông thôn mới vùng cao xã Bản Cái (Bắc Hà, Lào Cai) ngày một khởi sắc. Ảnh: Xuân Cường.

Ông Triệu Tà Chiều, Bí thư Đảng ủy xã Bản Cái tự hào cho biết, có được sự đổi thay này là nhờ đóng góp không nhỏ của các chương trình nông nghiệp, dự án khuyến nông, nhất là phát triển cây quế hữu cơ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã giúp đồng bào người Mông, người Dao đỏ địa phương thay đổi tư duy, tiếp cận phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ để trồng quế hữu cơ.

Từ năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai phối hợp với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đã triển khai dự án trồng quế hữu cơ trên địa bàn xã Bản Cái. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được vùng quế hữu cơ với diện tích 339,5ha, gồm 118 hộ ở 3/5 thôn của xã tham gia.

Làng Quỳ là thôn tiêu biểu đi đầu trong phong trào phát triển quế hữu cơ của xã Bản Cái. Năm 2018, thôn được sát nhập từ 02 thôn cũ là Làng Mò và Làng Quỳ, hiện thôn có 108 hộ người Dao đỏ, có gần 700ha quế, trong đó có 34 hộ trồng quế hữu cơ được công nhận.

Ông Đặng Tà Ù, Trưởng thôn Làng Quỳ cho biết, ngay khi triển khai dự án trồng quế hữu cơ, đã có nhiều hộ hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Hiện nay, đã có thêm nhiều hộ đăng ký thực hiện trồng quế hữu cơ và đang chờ được công nhận.

Người Dao đỏ xã Bản Cái đổi đơì ấm no từ phát triển cây quế hữu cơ

Người Dao đỏ xã Bản Cái đổi đời, ấm no từ phát triển cây quế hữu cơ. Ảnh: Xuân Cường.

Nhờ cây quế và trồng quế hữu cơ, năm 2014, với phương trâm nhà nước và nhân dân cùng làm, mỗi hộ dân đã góp 2,6 triệu đồng để đổ bê tông tuyến đường liên thôn dài gần 4km, 70% số hộ tự bỏ tiền bê tông đường liên gia. Tháng 12/2022, người Dao đỏ thôn Làng Quỳ đã đồng tình hiến trên 6.000m2 đất, góp tiền triển khai đổ bê tông 6km đường nội đồng đến khu sản xuất, trồng quế hữu cơ. Cuộc sống sung túc hơn, các hộ dân trong thôn có tiền chỉnh trang nhà ở, 60% số hộ trong thôn xây nhà mái bằng, cao tầng và biệt thự vườn...

Kết thúc năm 2022, thôn Làng Quỳ có thêm 12 hộ dân trồng quế hữ cơ thoát nghèo, hiện thôn chỉ còn 56/108 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, 20% số hộ giàu, còn lại gần 305 số hộ trung bình, khá. Anh Đặng Tà Ton, Tổ trưởng Tổ sản xuất quế hữu cơ thôn Làng Quỳ cho biết: Tổ sản xuất quế hữu cơ của thôn có 34 thành viên, các hộ thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc quế. Đồng thời liên kết thu mua và sơ chế sản phẩm quế để cung cấp ra thị trường với mức giá cao nhất cho các thành viên, nhờ đó giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn các hộ phơi phóng, phân loại quế

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn các hộ phơi, phân loại quế. Ảnh: Xuân Cường.

Để khuyến khích người dân thay đổi tư duy, gắn bó với kinh tế rừng, những năm qua, chính quyền xã Bản Cái đã tổ chức nhiều cuộc họp vận động người dân trồng rừng và tập trung phát triển cây quế. Cuộc họp nào ở thôn, kể cả ngày hội đại đoàn kết, cán bộ xã cũng tranh thủ nói về hiệu quả kinh tế của cây quế, dần dần hình thành ý thức trong nhân dân trồng rừng là nghề để phát triển kinh tế, sống được với rừng, làm giàu nhờ rừng. Cùng với đó, xã đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân.

Ông Triệu Tà Chiều, Bí thư Đảng ủy xã Bản Cái bảo, không có biện pháp tuyên truyền nào tốt hơn là để bà con nhìn thấy thực tế. Nghĩ vậy nên Bí thư Chiều đã bắt tay vào làm. Hàng ngày, khi vừa dứt việc cơ quan, ông cùng gia đình gùi cây quế lên nương để trồng, mỗi ngày trồng vài trăm cây, dần dần đã phủ xanh toàn bộ 5ha đất nương đồi của gia đình bằng cây quế. Thấy cán bộ trồng quế có thu nhập cao, có điều kiện xây nhà, sắm xe, thế là chẳng cần vận động, phong trào trồng quế đã lan rộng ra các thôn, những khoảnh đất trống dần thay thế bằng những mảng xanh của cây quế.

Công lớn của lực lượng khuyến nông

Hiện xã Bản Cái có gần 1.400ha rừng trồng, trong đó diện tích trồng quế khoảng 1.383ha, trong đó có 339,5ha quế được công nhận hữu cơ, 700ha quế đang thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ và chờ công nhận thêm hàng trăm ha.

Nhiều hộ dân xã Bản cái đã chủ động gieo ươm giống quế phục vụ trồng quế gia đình và cung ứng thị trường trong huyện.

Nhiều hộ dân xã Bản Cái đã chủ động gieo ươm giống quế phục vụ trồng quế gia đình và cung ứng thị trường trong huyện. Ảnh: Xuân Cường.

Cây quế đã và đang đem lại nguồn thu ổn định, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Năm 2022, nhân dân trên địa bàn xã có tổng nguồn thu hơn 18 tỷ đồng từ cây quế, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,92 triệu đồng/người/năm, tăng trên 2 triệu đồng so với năm 2021. Nhờ đó, đã có thêm 36 hộ dân trồng quế hữu cơ thoát nghèo, có điều kiện vui xuân, ăn tết sung túc, đầy đủ hơn.

Xã Bản Cái ngày một xuất hiện nhiều mô hình kinh tế giỏi do cán bộ, hội viên chi hội nông dân, phụ nữ đảm nhận như: Hộ ông Bàn Phúc Nguyên, ông Lò Văn Đường (hôn Làng Quỳ); ông Ma a Đanh (thôn Cô Tông Bản Vàng), ông Ma A Páo (thôn Ma Sín Chải)… Trong xã có nhiều hộ gia đình liên kết giúp nhau tiêu thụ các sản phẩm quế giống, vỏ quế, sơ chế quế sáo, quế bào, giúp nhau xây dựng thương hiệu quế hữu cơ... Tiêu biểu như hộ ông Đặng Tà Ton, Hoàng Kim Minh (Làng Quỳ), hộ ông Triệu Ton Tuân và Bàn Tà Sai (Làng Tát).

Nông dân Bản Cái bắt đầu thu hoạch quế vụ xuân 2023

Nông dân Bản Cái bắt đầu thu hoạch quế vụ xuân 2023. Ảnh: Xuân Cường.

Từ trồng quế hữu cơ, đời sống khấm khá, có thêm thu nhập, đồng bào các dân tộc thiểu số xã vùng cao Bản Cái đã và đang tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2022, người dân đã đóng góp trên 270 ngày công lao động để xây dựng công trình giao thông đường xã, thôn, ngõ xóm; làm mới và tu sửa 25 cái nhà vệ sinh, 7 chuồng trại nuôi nhốt gia súc...

Ông Triệu Tà Triều, Bí thư Đảng ủy xã Bản Cái cho biết: Thời gian qua, Đảng bộ xã xác định cây quế là cây mũi nhọn giảm nghèo bền vững, nhất là phát triển cây quế hữu cơ nên đã chú trọng phát triển mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây quế gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng.

Trong quá trình thực hiện thành công, có đóng góp quan trọng của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đội ngũ cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông xã. Bản Cái đã có 3/5 thôn đã thành lập tổ hợp tác trồng quế hữu cơ, 2 thôn còn lại đang thực hiện chờ công nhận. Nhờ cây quế, đời sống của người dân vùng cao Bản Cái được cải thiện, có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện các tiêu chí khó về giao thông, nhà ở dân cư... 

1

Bên cạnh giá trị kinh tế, cây quế đã phủ xanh đất đồi, cải thiện môi trường rất tốt so với giai đoạn bà con trồng ngô, sắn trước đây. Ảnh: Xuân Cường.

Năm 2022, có 13 hộ dân trong xã duy trì nghề ươm bầu quế cung ứng cho dân với số lượng 120 vạn cây, cung ứng khoảng 60 vạn cây quế giống, bà con nông dân xã Bản Cái đã trồng mới 48ha quế theo quy trình quế hữu cơ dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng như của Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà.

Bình luận