Ba Lan ngừng nhập khẩu ngũ cốc Ukraine từ 15/9

Bình luận · 381 Lượt xem

Ngày 3/9, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết, nước này sẽ gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine sau ngày 15/9.

Ba Lan sẽ ngừng nhập ngũ cốc Ukraine từ 15/9. Ảnh minh họa.

Ba Lan sẽ ngừng nhập ngũ cốc Ukraine từ 15/9. Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Robert Telus cho biết sẽ không cho phép ngũ cốc Ukraine vào Ba Lan sau ngày 15/9 vì lợi ích của nông dân Ba Lan hơn bất kỳ quy định nào của EU.

Trước đó hôm 28/4, EC đã đạt được thỏa thuận với Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia về các hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông sản thực phẩm của Ukraine.

Tiếp đến ngày 2/5, EC tuyên bố áp dụng lệnh cấm tạm thời đối với việc nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương từ Ukraine, tháng trước đã kéo dài lệnh cấm này cho đến ngày 15/9.

Trong ngày 4/9, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan cũng sẽ tham dự cuộc họp cấp cao của các bộ trưởng nông nghiệp EU tại Tây Ban Nha nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của EU trong việc gia hạn lệnh cấm nông sản của Ukraine. Ông nhấn mạnh ngũ cốc Ukraine đang khiến tình hình trở nên khó khăn hơn vì khủng hoảng thừa và giá ngũ cốc ở mức thấp.

Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Janusz Kowalski cho biết thêm Chính phủ Ba Lan đã cung cấp các khoản trợ cấp trị giá khoảng 3,3 tỷ euro cho nông dân Ba Lan trong khi viện trợ của EU chỉ đạt hơn 66 triệu euro.

Cũng trong ngày 3/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, thảo luận về hành lang biển do Kiev thiết lập ở Biển Đen để đảm bảo an toàn cho tàu bè qua lại sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

Đăng trên mạng xã hội sau cuộc điện đàm, Tổng thống Zelensky nêu rõ: "Chúng tôi đã thảo luận các cách để đảm bảo hoạt động của hành lang ngũ cốc cũng như tăng cường an ninh cho khu vực Odessa". Ông Zelensky cho biết thêm hai bên cũng trao đổi về các gói viện trợ quân sự tiếp theo mà Pháp dành cho Ukraine.

Dự kiến, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen vào ngày 4/9, dấy lên hy vọng về khả năng khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Trong khuôn khổ sáng kiến đạt được hồi năm ngoái, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.

Trong khi đó, Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận đã ba lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17/7 vừa qua.

Bình luận