Nông dân ĐBSCL bán lúa non trước "bão" giá gạo: Cần hợp đồng có lợi cho cả bên mua và bên bán (Bài cuối)

Bình luận · 269 Lượt xem

GS Võ Tòng Xuân cho biết, nếu nông dân nhận tiền cọc, bán lúa non cho thương lái hoặc "cò lúa" với giá thấp hơn giá thị trường nhiều thì tội nghiệp nông dân.

Cần thương thảo lại nếu giá lúa tăng nhiều so với tiền nhận cọc bán lúa non

Liên quan đến việc nông dân bán lúa non, trao đổi với phóng viên Dân Việt - GS Võ Tòng Xuân - người có nhiều tâm huyết với cây lúa ĐBSCL cho biết, nếu nông dân nhận tiền cọc, bán lúa cho thương lái hoặc "cò lúa" với giá thấp hơn giá thị trường nhiều thì tội nghiệp nông dân.

Nông dân bán lúa non trước "bão" giá lúa tăng: Cần mức giá hợp lý cho cả bên bán và bên mua (Bài 3) - Ảnh 1.

GS Võ Tòng Xuân cho biết, nếu nông dân nhận tiền cọc, bán lúa non cho thương lái hoặc "cò lúa" với giá thấp hơn giá thị trường nhiều thì tội nghiệp nông dân. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo GS Võ Tòng Xuân, mặc dù nông dân nhận tiền cọc bán lúa non, lúc này đã có lời nhưng mức lời này không nhiều. Trong khi thời gian dài trước đó, nông dân trồng lúa thu nhập rất thấp, thậm chí không có lời ở vụ thu đông hay hè thu.

  • Nông dân ĐBSCL bán lúa non trước "bão" giá gạo tăng: Lúa mới cấy được 1 tháng, đã có "cò" đến cọc tiền cả ruộng

Vì vậy, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, đến thời điểm thu hoạch lúa thu đông tới, nếu giá lúa tăng hơn nhiều so với số tiền thỏa thuận khi người dân bán lúa non, 2 bên cần ngồi lại thương thảo về giá một lần nữa sao cho hợp lý cho cả đôi bên.

"Doanh nghiệp, thương lái cố gắng mua lúa theo giá tốt, không mua thấp quá tội nghiệp cho nông dân" - GS Võ Tòng Xuân nói.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, để hạn chế rủi ro cho nông dân khi bán lúa non, chính quyền các địa phương ở ĐBSCL cần can thiệp, bằng cách đứng ra làm cầu nối, cân bằng lợi ích giữa nông dân và nơi tiêu thụ lúa.

Nghiên cứu hợp đồng điện tử

Liên quan đến việc nông dân bán lúa non, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ nhận định, nông dân chịu thiệt.

Nông dân bán lúa non trước "bão" giá lúa tăng: Cần mức giá hợp lý cho cả bên bán và bên mua (Bài 3) - Ảnh 2.

Nông dân tỉnh Hậu Giang chăm sóc lúa. Ảnh: Văn Dương

Theo ông Nghiêm, tiền cọc bán lúa chỉ mang tính tượng trưng. Thời gian qua, trường hợp bỏ cọc vẫn xảy ra. Khi giá lúa tăng, thương lái có lợi nhuận cao, không nâng giá thu mua cho nông dân nhưng khi giá lúa giảm, lại xin người trồng lúa điều chỉnh giá xuống.

Ông Nghiêm cho hay, ở TP.Cần Thơ, có khoảng 50% diện tích trồng lúa được nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã bán cho "cò lúa", thương lái.

Do hình thức mua bán này không chặt chẽ. Do đó, trong thời gian tới, Sở NNPTNT TP.Cần Thơ sẽ tìm phương án khắc phục, có thể hỗ trợ nông dân liên kết với đơn vị tiêu thụ thông qua hợp đồng điện tử.

"Trong hợp đồng điện tử sẽ chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các bên. Nếu giá lúa thị trường tăng trên 10%, doanh nghiệp sẽ tăng thêm 5% cho nông dân. Ngược lại, giá giảm từ 10% nông dân cũng đồng tình giảm 5% cho doanh nghiệp" - ông Nghiêm chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ nhận định, cần có sự chia sẻ lợi ích hài hòa giữa bà con nông dân với các bên tiêu thụ. Mặt khác, nông dân cũng cần tạo uy tín với doanh nghiệp.

Đây là cách để giữ được thị trường một cách bền vững, không thể ứng xử theo quan điểm theo kiểu "ăn xổi ở thì", xuất hiện tư duy giá lúa tốt bán cho người này, không được thì bán cho người khác.

Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo được tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 4/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, theo thống kê, có khoảng 50% sản lượng lúa doanh nghiệp thu mua qua thương lái; hơn 12% người dân bán trực tiếp và trên 37% còn lại qua các hợp tác xã. Hiện cả nước có 180 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 50% đơn vị ký liên kết với các hợp tác xã để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu đầu vào.

Bình luận