Lâm Đồng: Chính quyền địa phương, chủ rừng, cộng đồng dân cư bắt tay thành lập tổ công tác bảo vệ rừng

Bình luận · 295 Lượt xem

Tổ công tác Diễn đàn quản lý hợp tác đa bên về bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (Lâm Đồng) vừa chính thức ra mắt.

Trong khuôn khổ Dự án quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học của WWF đã chính thức ra mắt mô hình thí điểm Tổ công tác Diễn đàn quản lý hợp tác đa bên về bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, giai đoạn 2023 – 2025.

Tổ công tác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Dương ban hành quyết định thành lập, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng, các cộng đồng dân cư địa phương, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và các cơ quan, đoàn thể của huyện và chính quyền các xã Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais.

Mục tiêu cụ thể của tổ công tác bao gồm đánh giá tình hình, lập báo cáo, thông tin, đề xuất giải pháp, lập kế hoạch và tổ chức các diễn đàn đối thoại quản lý, hợp tác về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nhằm giảm thiểu những bất đồng giữa quyền lợi của cộng đồng dân cư với những đơn vị quản lý rừng.

Lâm Đồng: Chính quyền địa phương, chủ rừng, cộng đồng dân cư bắt tay thành lập tổ công tác bảo vệ rừng - Ảnh 1.

Tổ công tác Diễn đàn quản lý hợp tác đa bên về bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà và Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (Lâm Đồng) vừa chính thức ra mắt. Ảnh: VFBC.

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học đã hỗ trợ các mô hình thí điểm tương tự tại một số khu bảo tồn trong danh sách 21 khu thuộc vùng dự án tại Việt Nam. 

Thành phần Tổ công tác bao gồm đại diện từ Uỷ ban nhân dân các xã Đạ Chais, Đạ Sar, Đạ Nhim, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, Hội Liên hiệp phụ nữ các xã và đặc biệt có sự tham gia của đại diện các cộng đồng dân cư địa phương.

"Thực tiễn quốc tế cho thấy công tác quản lý các Khu bảo tồn sẽ hiệu quả và thành công hơn nếu có sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức trong bảo tồn. Việc thành lập Tổ hợp tác đa bên về bảo vệ rừng thể hiện sự cam kết của các Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên, chính quyền địa phương nhằm không ngừng nâng cao tiêu chuẩn về quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học." ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học của USAID, WWF chia sẻ.

"Mặc dù trước đây đã có nhiều mô hình hợp tác đa bên về bảo vệ rừng nhưng chủ yếu được vận hành bởi cán bộ Nhà nước. Mô hình thí điểm có sự tham gia của người dân nếu thành công sẽ tạo tiền đề để các Ban quản lý rừng xem xét nhân rộng và duy trì bằng nguồn tài chính tự chủ nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cho tương lai, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nhận định.

Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (BCA) thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Các hoạt động của hợp phần này được thực hiện trong 5 năm, từ tháng 07/2020 - 06/2025.

Hợp phần BCA nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng và bảo vệ đồng thời duy trì ổn định các loài quần thể hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao. Mục tiêu của dự án hướng đến 14 khu rừng đặc dụng  và 7 khu rừng phòng hộ, liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh các cảnh quan trọng nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam.

Bình luận