Ông Nguyễn Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, các địa phương, đơn vị đang tiếp nhận đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng.
Theo đó, tính đến ngày 15/10, các địa phương, đơn vị đã tiếp nhận 335 hộ gia đình tham gia đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng và thực hiện lập hồ sơ thiết kế, dự toán giao khoán bảo vệ rừng với diện tích gần 9.500 ha.
Trong đó, 18 hộ gia đình đăng ký nhận khoán hơn 230 ha rừng tự nhiên do UBND các xã ở huyện Khánh Sơn quản lý; 18 hộ gia đình đăng ký tham gia nhận khoán 540 ha tại Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa; 20 hộ gia đình đăng ký nhận khoán hơn 525 ha tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa; 25 hộ đăng ký nhận khoán 750 ha tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương; 38 hộ gia đình đăng ký nhận khoán hơn 954 ha rừng tự nhiên do UBND các xã ở huyện Khánh Vĩnh quản lý; 216 hộ gia đình đăng ký nhận khoán 6.480 ha của Ban quản lý rừng phòng Nam Khánh Hòa. Dự kiến nguồn vốn sẽ giải ngân trong năm 2023 hơn 562 triệu đồng.
Kinh phí thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với diện tích gần 9.500 ha trong năm 2024 là gần 3,8 tỷ đồng.
Được biết, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 244.000 ha có rừng, trong đó hơn 213.000 ha thuộc quy hoạch 3 loại rừng và hơn 31.000 ha năm ngoài quy hoạch. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt hơn 45%.
Kim Sơ