Tuân thủ tiêu chuẩn FDA, sản phẩm thảo dược Việt Nam cập bến Hoa Kỳ

Bình luận · 73 Lượt xem

Lô hàng viên ngậm thảo dược, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Hoa Kỳ, đã được xuất khẩu chính ngạch sang quốc gia này.

Tuân thủ chặt chẽ quy trình

Ngày 19/10, tại Khu công nghiệp Giao Long, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ CTA và Công ty CP Thiên nhiên Việt (Vietnat) đã phối hợp bàn giao, xuất khẩu lô hàng gồm các sản phẩm như Viên ngậm Viacol, Viên ngậm gừng Vietnat, Viatux Extra, Viacol Plus.

 

Sự kiện là dấu mốc quan trọng cho sự vươn xa đến Hoa Kỳ, một thị trường khó tính, của các sản phẩm chế biến sâu cho thảo dược Việt Nam như gừng, húng chanh, bạc hà, nghệ, tinh dầu chanh, sả… Sau khi rời Bến Tre, lô hàng sẽ được giao đến cảng TP.HCM để hoàn tất thủ tục, trước khi vận chuyển tới Hoa Kỳ bằng đường biển.

 

Chị Hồ Thị Ngọc, Giám đốc Đối ngoại Công ty CTA cho biết, sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, khép kín và cho ra những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên 100%.

 

Theo chị Ngọc, nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ nông lâm sản trong nước sở hữu chất lượng tốt, đảm bảo đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính. Tuy nhiên, trước khi "đem chuông đi đánh xứ người", chị Ngọc cho rằng cần tìm hiểu kỹ về thị trường nhập khẩu.

 

Với sản phẩm viên ngậm thảo dược, Công ty CTA và Vietnat đã triển khai kế hoạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ cách đây vài năm. Sau khi tìm được đối tác tại quốc gia này - Công ty CP quốc tế LNS Việt Nam - hai đơn vị đã chuẩn hóa quy trình sản xuất và ký hiệp ước phân phối độc quyền với LNS vào tháng 6/2023.

 

Dựa trên khuyến cáo, hỗ trợ và tư vấn của LNS, sản phẩm viên ngậm thảo dược đã đăng ký tiêu chuẩn FDA, triển khai quy trình thực hành theo tiêu chuẩn MMR của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm thực phẩm bổ sung.

 

Toàn bộ các tiêu chí liên quan đến bao bì về nội dung nhãn mác, quy chuẩn thành phần, cảnh báo sản phẩm… cũng được giám sát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn FDA.

"Phía nhà máy sản xuất đã tuân thủ nghiêm ngặt và triển khai đồng bộ tất cả các quy trình. Đây là một trong những rào cản mà doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải khi muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ”, chị Ngọc chia sẻ.

 

Tiêu chuẩn FDA là những quy định do Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra để giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý của mình lưu hành trên thị trường nước này. Bất cứ nhà xuất khẩu nào, nếu muốn đưa sản phẩm vào Hoa Kỳ, đều phải tuân thủ theo những quy định của FDA và có được giấy chứng nhận FDA.

 

Để đạt chứng nhận FDA, cơ sở sản xuất cần tuân thủ và đạt một loạt tiêu chuẩn FDA. Chẳng hạn, với nhóm thực phẩm chức năng, nhà xuất khẩu phải tuân theo các yêu cầu quy định về gắn nhãn mác sản phẩm, thông tin chi tiết về thành phần của sản phẩm, tuân thủ thực hành tốt sản xuất như thực hiện hồ sơ ghi chép, đảm bảo sử dụng các chế phẩm theo danh mục quy định...

 

Khi đăng ký cấp giấy chứng nhận FDA, nhà nhập khẩu cần cung cấp đầy đủ địa chỉ nhà máy sản xuất sản phẩm, giấy chứng nhận HACCP/ISO 22000 (nếu có), thông tin người làm việc và chịu trách nhiệm về FDA. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có thông tin liên hệ văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ quy định, mỗi cơ sở nước ngoài chỉ được chỉ định một đại lý của Hoa Kỳ. Đại lý này phải cư trú tại Hoa Kỳ hoặc duy trì một địa điểm kinh doanh tại Hoa Kỳ, đồng thời sẵn sàng trả lời điện thoại hoặc có nhân viên sẵn sàng trả lời điện thoại trong giờ làm việc bình thường khi FDA kiểm tra.

 

Điểm tựa từ trái vải thiều

Do nhiều yêu cầu chi tiết và cặn kẽ như vậy, nên chị Ngọc coi việc tìm được đối tác tại Hoa Kỳ - Công ty CP quốc tế LNS Việt Nam - là một bước ngoặt cho hành trình đưa sản phẩm thảo dược chế biến sâu cập bến xứ Cờ hoa.

 

Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, Công ty LNS cũng phối hợp Công ty CTA, UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Công thương đưa thành công trái vải thiều đến Hoa Kỳ. Từ điểm tựa này, các bên liên quan tiếp tục xúc tiến việc đa dạng hóa sản phẩm và tạo thêm các kênh phân phối cho nông sản Việt tại thị trường Hoa Kỳ, trong đó có viên ngậm thảo dược.

 

Ông Hồ Hùng, Giám đốc vùng Công ty LNS cho biết: "Chúng tôi luôn ưu tiên hỗ trợ và hướng dẫn tận tình cho nhà máy về các kinh nghiệm để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm chế biến sâu. Mọi công đoạn đều phải được chuẩn bị chỉn chu, không chỉ là chất lượng, các tiêu chí của FDA, mà còn là vấn đề liên quan đến bao bì, cách đóng gói, xây dựng thương hiệu... Từ những chi tiết nhỏ nhất cũng phải chú ý để lô hàng xuất khẩu được diễn ra suôn sẻ".

 

Theo ông Hùng, việc xuất bán sản phẩm viên ngậm thảo dược sang thị trường Hoa Kỳ chắc chắn giúp cho bà con nông dân, vốn được Công ty Vietnat ký hợp đồng bao tiêu và thu mua nguyên liệu đầu vào, an tâm sản xuất. Đồng thời, góp phần để người nông dân có cuộc sống ổn định, bền vững.

 

Đồng thời, tạo ra thêm cơ hội, giúp sức cho doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường Hoa Kỳ rộng lớn. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thêm động lực để xuất khẩu nông sản đi chính ngạch nhiều hơn.

 

Hiện viên ngậm thảo dược Vietnat được phân phối tại nhiều bang của Hoa Kỳ, chủ yếu trong các chợ truyền thống, các chuỗi siêu thị nổi tiếng. Trước mắt, là phục vụ cho nhu cầu của người Việt Nam tại nước ngoài có dịp sử dụng những sản phẩm từ quê hương.

 

"Việc ngày càng có nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” tại những thị trường khó tính như Hoa Kỳ sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt trên toàn cầu", ông Hùng nhận xét.

 

Để một sản phẩm nông lâm sản chế biến sâu có mặt tại thị trường Hoa Kỳ, vai trò của ông Phạm Quang Huy, Tham tán Nông nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ là rất lớn, theo chị Hồ Thị Ngọc.

 

Trong suốt quá trình làm thủ tục và đăng ký chứng nhận FDA, ông Huy cùng cán bộ nước sở tại đã tích cực hỗ trợ, liên hệ đầu mối; đồng thời giới thiệu, quảng bá nhiều sản phẩm đặc trưng của Việt Nam đến nước bạn.

 

Ông Huy cũng khuyến nghị doanh nghiệp tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển mô hình để vừa đảm bảo chất lượng, vừa có giá thành cạnh tranh.

 

Cùng với đó, tuân thủ mọi quy định về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ; tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, nắm rõ các yêu cầu của liên bang cũng như tiểu bang và tăng cường sử dụng kênh thương mại điện tử trong phân phối, lưu thông hàng hóa.

 

Bảo Thắng

 

Bình luận