Sức hút từ những cánh rừng FSC

Bình luận · 206 Lượt xem

Tuyên Quang đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng FSC và những cánh rừng này đã mang lại nhiều lợi ích, tạo ra sức hút cho người trồng rừng.

Hiện nay, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) của tỉnh Tuyên Quang là trên 48.318ha (là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC). Để có được những cánh rừng này, tỉnh đã dành sự quan tâm đã đặc biệt đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, từng bước cải thiện đời sống của người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng.

 

Ông Nịnh Văn Lìn, Giám đốc HTX sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy cho biết, khi mới triển khai việc cấp chứng chỉ rừng FSC HTX gặp nhiều khó khăn. Nhất là việc vận động, giải thích để bà con hiểu được thế nào là FSC và làm rừng FSC người dân sẽ được hưởng lợi gì. Tuy nhiên các cấp chính quyền luôn đồng hành nên việc triển khai cũng thuận lợi.

 

Năm 2018, những cánh rừng đầu tiên trên địa bàn xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn của HTX sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy đã được cấp chứng chỉ FSC. Đến nay toàn HTX đã có hơn 1.500ha rừng được cấp chứng chỉ, với hơn 600 hộ dân tham gia. HTX cũng là đơn vị dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về diện tích rừng được cấp chứng chỉ.

 

Xác định quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp nên từ năm 2015, tỉnh Tuyên Quang bắt đầu thí điểm xây dựng chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới FSC. Tham gia chương trình cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, người nông dân ở Tuyên Quang đã học được cách bảo vệ môi trường khi trồng, chăm sóc rừng; học được cách tiếp cận kỹ thuật canh tác mới theo quy chuẩn quốc tế. Rừng FCS cho chất lượng và sản lượng cũng như giá trị gỗ trên đơn vị diện tích tăng lên.

 

Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ rừng FSC ở tỉnh Tuyên Quang cũng còn những khó khăn nhất định. Như quá trình thay đổi nhận thức cho các chủ rừng và người dân trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp còn nhiều hạn chế; diện tích rừng của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ khi tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC chưa mang lại giá trị kinh tế cao, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia quản lý rừng bền vững…

 

Ông Phạm Ngọc Mạnh, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn một trong những người tiên phong trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC trong thôn cho biết, trước đây gia đình ông cũng tham gia trồng nhưng nhưng ít chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá bán cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ năm 2015 đến nay, sau khi đăng ký trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, hơn 10ha rừng của gia đình ông đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng kỹ thuật, cây lớn nhanh hơn. Chu kỳ trồng, chăm sóc và khai thác cũng kéo dài từ 7 đến 10 năm thay vì 5 năm như trước. Ông Mạnh cũng thường xuyên kiểm tra, kịp thời tra dặm những cây bị chết để đảm bảo diện tích cũng như mật độ rừng trồng.

 

Phát triển rừng gỗ lớn và rừng theo tiêu chuẩn là xu thế tất yếu của giai đoạn hiện nay, đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tuyên Quang đặt ra trong chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp bền vững. Theo đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 36/6/2021 về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030.

 

Theo Nghị quyết này, tỉnh đề ra mục tiêu là tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp là 10%/năm; phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt hơn 89.000ha; sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 5,5 triệu m3; mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC hơn 90.000ha; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng trên địa bàn tỉnh để tham gia thị trường các bon trong nước và quốc tế.

 

Nhật Quang

 

 

Bình luận