Đồng Hỷ miền quê đa sắc [Bài 4]: Con người hạnh phúc mới là đích đến

Bình luận · 194 Lượt xem

Năm 2025, huyện Đồng Hỷ sẽ về đích nông thôn mới. Ngoài việc thực hiện các mục tiêu chung, huyện xác định, mỗi xã sẽ xây dựng dấu ấn mang đậm bản sắc địa phương.

TS. Nguyễn Thị Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có cuộc trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về hành trình xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) về đích vào năm 2025.

 

Nhân dân hạnh phúc là đích đến cuối cùng

 Thưa bà! Được biết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Hỷ lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng địa phương trở thành huyện NTM, vậy qua nửa nhiệm kỳ huyện đã triển khai và đạt được những kết quả như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu này?

 

Đồng Hỷ là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên với diện tích tự nhiên là 432 km2, gồm 15 đơn vị hành chính (3 thị trấn và 12 xã, trong đó có 1 xã đặc biệt khó khăn và 4 xã ATK); dân số trên 94.000 người; tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 54%.

 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành của tỉnh; cùng với truyền thống đoàn kết, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và sự nỗ lực tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Đến thời điểm hiện tại, các mục tiêu Nghị quyết của huyện đã cơ bản đạt tiến độ kế hoạch đề ra, 13/14 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Trong đó mục tiêu xây dựng huyện Đồng Hỷ trở thành huyện NTM vào năm 2025 là nội dung rất quan trọng và được huyện đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Huyện đã ban hành Đề án xây dựng huyện Đồng Hỷ đạt chuẩn NTM, triển khai kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

 

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, huyện đã huy động được gần 670 tỷ đồng để xây dựng NTM; xây dựng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM (nâng tổng số xã đạt NTM của huyện lên 11/12 xã), 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, kinh tế ngày càng phát triển.

 

Tất cả các chương trình mục tiêu, đích đến cuối cùng người hưởng lợi chính là nhân dân, nhân dân sẽ hạnh phúc khi quê hương tươi đẹp, đổi mới, vậy vai trò của nhân dân trong thực hiện chương trình xây dựng NTM như thế nào?

 

Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có thể khẳng định rằng, tất cả mọi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra thì vai trò của nhân dân là rất quan trọng. Trong xây dựng NTM, nhân dân vừa là người được hưởng thụ, vừa là chủ thể. Nhận thức và hành động của nhân dân là yếu tố then chốt trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

 

Đồng Hỷ xác định, nhân dân hạnh phúc sẽ là đích đến cuối cùng của NTM. Do đó, trong những năm qua, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, để nhân dân thấy rõ vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình, tạo sự đồng thuận, phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết chung sức, đồng lòng của người dân. Lấy sức dân lo cho dân, đây chính là nguồn động lực to lớn, có tính quyết định cùng với Nhà nước chung sức xây dựng NTM.

 

Phát huy được sức mạnh của nhân dân nên trong hành trình xây dựng NTM, nhân dân đã đóng góp trên 100 tỷ đồng, trên 22ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi… Qua đó đã góp phần quan trọng vào thành công trong xây dựng NTM của địa phương.

 

Đồng Hỷ đa sắc, riêng biệt đậm đà truyền thống

Để đạt được mục tiêu NTM, các địa phương sẽ có những điểm chung nhưng mỗi địa phương sẽ có những bản sắc riêng để làm nên bức tranh riêng biệt. Vậy đâu sẽ làm nên dấu ấn và bản sắc riêng biệt của NTM ở Đồng Hỷ?

 

Trong sự hòa nhập vào bức tranh nông thôn mới của cả nước, mỗi xã của huyện Đồng Hỷ đều nỗ lực xây dựng dấu ấn riêng mang đậm bản sắc vùng miền.

 

Từ cánh đồng mẫu lớn xã Nam Hòa, cánh đồng nếp cái hoa vàng xã Minh Lập đến đồi chè xã Văn Hán; từ làng nghề miến Việt Cường đến làng nghề chè thị trấn Sông Cầu; từ bản sắc văn hóa dân tộc Mông với cánh đồng hoa tam giác mạch trên Bản Tèn đến làng nhà sàn Tân Đô lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc Nùng xã Hòa Bình... Tất cả đã tạo nên dấu ấn và bản sắc riêng biệt của NTM ở Đồng Hỷ.

 

Việc giữ gìn bản sắc truyền thống của mỗi địa phương sẽ tạo nên cho huyện Đồng Hỷ bức tranh đa sắc, riêng biệt và đậm đà truyền thống. Chính sự đa sắc riêng biệt ấy sẽ giúp con đường xây dựng NTM ở Đồng Hỷ gắn với phát triển du lịch nông thôn trở nên ý nghĩa và bền vững hơn. Bản sắc chính là giá trị cốt lõi tốt đẹp nhất của mỗi miền quê. Người dân cũng sẽ thấy hạnh phúc khi bản sắc quê hương được gìn giữ phát huy trong thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

 

Để đạt được những mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, đâu sẽ là vấn đề then chốt? Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện mục tiêu Nghị quyết đâu sẽ là khó khăn thách thức lớn, bài học kinh nghiệm gì được rút ra để đảm bảo đến năm 2025 huyện sẽ về đích nông thôn mới?

 

Để đạt được những mục tiêu về xây dựng nông thôn mới thì vấn đề then chốt là sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu Nghị quyết, khó khăn, thách thức lớn trong việc xây dựng nông thôn mới đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.

 

Trong khi Đồng Hỷ là huyện miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt từ sau khi chuyển địa giới hành chính, huyện cần phải xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng mới như: Trung tâm Văn hóa huyện, Trung tâm Y tế, trường THPT, xây dựng Hóa Thượng (mới có quyết định thành lập thị trấn từ tháng 4 năm 2023) đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025… Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, huyện đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm để đảm bảo đến năm 2025 sẽ về đích nông thôn mới.

 

Trước hết là bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, có lộ trình, kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng. Huy động sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

 

Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM. Phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

 

Cùng với đó là tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai có hiệu quả các dự án, thu hút đầu tư. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và huy động tối đa nguồn lực của địa phương gắn với 3 đột phá phát triển của huyện đã nêu trong Nghị quyết.

 

Luôn coi trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân chí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo Quốc phòng - An ninh nông thôn.

 

Đồng Hỷ hướng đến NTM nâng cao, kiểu mẫu

Với quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Hỷ Nguyễn Thị Thủy cho hay, sau khi các xã và huyện về đích NTM sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng các xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tập trung phát triển các thế mạnh của địa phương về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch.

 

Huyện sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư, đô thị gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Để nhân dân huyện Đồng Hỷ có một cuộc sống ấm no. Nhân dân cảm thấy hạnh phúc, tự hào về quê hương mình đổi thay, phát triển nhưng vẫn mang dấu ấn bản sắc riêng mà không vùng quê nào có được.

 

Đào Thanh - Duy Quang - Quang Linh

 

Bình luận