Mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng giúp trẻ vùng cao không bị còi cọc, suy dinh dưỡng

Bình luận · 185 Lượt xem

Những mô hình nông nghiệp dinh dưỡng triển khai ở các địa bàn đặc biệt khó khăn không chỉ cải thiện thu nhập mà còn giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng. Người dân dần thay đổi tư duy về bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng giúp trẻ vùng c

Ở nước ta nói riêng và nhiều quốc gia, bên cạnh nạn đói lương thực còn có nạn đói về dinh dưỡng. Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẩu phần ăn thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng, bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc nghèo đói là nguyên nhân của suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta.

Qua một số điều tra, mức đáp ứng vi chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn ở một số vùng miền núi, vùng sâu xa, vùng nghèo, mức đáp ứng còn thấp, đặc biệt là các nhóm canxi khẩu phần, vitamin… mới đáp ứng được khoảng 60%.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở những vùng đồng bào DTTS và miền núi còn cao; An ninh lương thực chưa đảm bảo nên vẫn còn thiếu đói. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tình trạng thiếu vi-ta-min A, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn ở mức ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe cộng đồng. Trong đó, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi là 27,8%, ở phụ nữ có thai là 32,8%; tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%; tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%...

Khắc phục tình trang này ở nhiều tỉnh thành, mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng do Bộ NNPTNT đã phối hợp Bộ Y tế (Viện Dinh dưỡng quốc gia) đã được triển khai cho thấy những kết quả đáng ghi nhận. Các đơn vị đã phối hợp xác định tình trạng dinh dưỡng của người dân, nhất là trẻ nhỏ sau đó phối hợp cùng địa phương xây dựng mô hình nông nghiệp. Từ đó, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, sử dụng và chế biến sản phẩm tại chỗ để cung cấp thực phẩm dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày.

Nhận thức của người dân trong việc chăm lo bữa ăn hằng ngày đã có sự thay đổi nhất định, góp phần giảm tỷ lệ trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng. Như dự án "Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp với trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng cho người dân" gắn với Chương trình "Không còn nạn đói" tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Là địa phương vùng sâu nghèo, nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống, trong một thời gian dài, đời sống người dân rất khó khăn, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn mức cao so với bình quân chung của cả nước. Với 3 tháng nuôi, chăm sóc trọng lượng gà đạt trên 1,6kg/con, mỗi hộ thu 88-110kg thịt gà hơi thương phẩm và có rau bí, quả bí đỏ. Những sản phẩm này đã góp phần bù đắp sự thiếu hụt và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.

PGS.TS Trương Thị Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những mô hình nông nghiệp dinh dưỡng triển khai không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà đã thay đổi nếp nghĩ cho người dân về sự cần thiết phải bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày.

Hiện nay đã có thay đổi rõ rệt về việc thực hành dinh dưỡng, tăng tỷ lệ thịt, cá, sữa, trứng, trái cây, rau quả… Trong các gia đình tham gia mô hình, trẻ nhỏ đã có sự thay đổi về cân nặng, chiều cao khi bữa ăn có sự đa dạng, đủ số lượng và chất lượng.

Các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, mặc dù nhu cầu cơ thể trẻ chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng thiếu lại để lại nhiều hệ lụy.

Bởi vậy, người dân cần bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết cho trẻ thông qua chế độ ăn đầy đủ, đa dạng. Mỗi bữa ăn cần phối hợp nhiều loại thực phẩm thuộc 4 nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin – khoáng chất; thường xuyên thay đổi thực đơn.

Ngoài ra, trong thời gian thai kỳ cũng cần lưu ý chế độ dinh dưỡng vì vừa giúp thai nhi phát triển tốt vừa giúp bà mẹ dự trữ đủ vi chất dinh dưỡng để nuôi con bằng sữa mẹ sau này. Ngay sau khi sinh, cho trẻ bú sữa mẹ. Trẻ trên 6 tháng tuổi, tiếp tục cho trẻ bú mẹ đồng thời xây dựng chế độ ăn dặm hợp lý giúp phòng ngừa trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng và suy dinh dưỡng.

Bình luận