Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở để nông nghiệp Bình Định phát triển

Bình luận · 79 Lượt xem

Tại buổi làm việc với Sở NN-PTNT Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gợi mở nhiều hướng đi để ngành nông nghiệp tỉnh này phát triển bền vững.

Những kết quả tích cực

Chiều 12/10, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã về làm việc với Sở NN-PTNT Bình Định về kết quả công tác trong 9 tháng đầu năm 2023.

 

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, báo cáo sơ lược với đoàn công tác: Trong những năm qua, Bình Định đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi cơ bản toàn diện nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp Bình Định đã tập trung chỉ đạo hoàn thành sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023, vụ hè thu năm 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2023. Trong năm nay, Bình Định đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, bố trí cơ cấu giống phù hợp; chuyển đổi những diện tích trồng lúa, mía và sắn kém hiệu quả sang các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Nhờ nguồn nước tưới đảm bảo, nông dân đầu tư chăm sóc, năng suất tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, sản lượng lúa năm 2023 ước đạt trên 618 ngàn tấn.

 

Bên cạnh đó, Bình Định còn thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vacxin và công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn được an toàn, dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, giá heo thịt, gà thịt duy trì ổn định, chăn nuôi có lãi, tạo động lực để người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn. Ngoài ra, Bình Định còn thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp (IUU) và các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ.

 

Nhờ thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, giá cả sản phẩm thủy sản ổn định, nên ngư dân tích cực bám biển, sản lượng đánh bắt đạt cao. Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phát triển trồng rừng gỗ lớn ở Bình Định cũng được tăng cường, năng suất và chất lượng rừng trồng được nâng cao.

 

Về phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp Bình Định đã hỗ trợ thành lập mới 2 HTX Nông nghiệp, đó là HTX Dịch vụ hoa cây kiểng Bình Lâm, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và HTX Nông - lâm nghiệp tổng hợp An Dũng (huyện An Lão). Phát triển thêm 2 HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là HTX Nông nghiệp Ân Tường 1 và HTX Nông nghiệp Ân Tường 2 của xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân). Công nhận làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ thôn Bắc Nhạn Tháp thuộc xã Nhơn Hậu) và làng nghề bún bánh An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn).

 

“Đến nay, trên địa bàn Bình Định có 185 HTX Nông nghiệp với trên 184 ngàn thành viên, tổng số lao động thường xuyên làm việc trong HTX khoảng 1.400 người; trong đó có 21 HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện ở Bình Định có 57 HTX thực hiện liên kết và tiêu thụ nông sản cho thành viên; có 37 sản phẩm của 20 HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 - 4 sao; có 42 làng nghề đang hoạt động với khoảng 5.247 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động tại địa phương”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

 

Cần xây dựng hệ thống khuyến nông cộng đồng

 

Sau khi nghe đại diện Sở NN-PTNT Bình Định báo cáo những kết quả của ngành trong 9 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp Bình Định, nhất là trong các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

 

“Trong bối cảnh giá lúa cao như hiện nay, tôi đề nghị Sở NN-PTNT Bình Định cần quan tâm chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Sản lượng lúa của mỗi tỉnh là những viên gạch xây dựng nền móng vững chắc về an ninh lương thực của quốc gia”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

 

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong sản xuất nông nghiệp, Bộ NN-PTNT quan tâm 2 lĩnh vực, 1 là phải xây dựng cho được những vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của các thị trường trong nước và quốc tế; vùng nguyên liệu đạt chuẩn không chỉ xây dựng cho lĩnh vực trồng trọt mà cả những lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi…

 

“Khi làm chủ được vùng nguyên liệu là kể như mình chi phối được các tập đoàn, làm chủ được đầu ra của sản phẩm. Có được vùng nguyên liệu rồi thì phải xây dựng cho được các mối liên kết với các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

 

Trong xây dựng các mối liên kết, HTX nông nghiêp là đầu mối then chốt, do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu ngành nông nghiệp Bình Định đầu tư đổi mới tư duy sản xuất cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các HTX nông nghiệp cách quản lý để điều hành được tập thể sản xuất mới có được vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

 

“HTX Nông nghiệp là cái nền, sau đó kết nối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo thành chuỗi liên kết. Doanh nghiệp nào toàn tâm, toàn ý với ngành nông nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp, tạo liên kết với HTX Nông nghiệp thì mới tập hợp được đất sản xuất”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

 

“Trong thời gian tới đây, chúng tôi mong ngành nông nghiệp Bình Định quan tâm nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh về việc xây dựng hệ thống khuyến nông cộng đồng để tạo chân rết về công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, khuyến lâm, thú y, thủy sản tận cơ sở. Các tỉnh phía Nam đang phát triển mạnh hệ thống khuyến nông cộng đồng để hướng dẫn nông dân sản xuất tại cơ sở”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở.

Vũ Đình Thung

 

Bình luận