V-SCOPE giúp gắn kết các công ty cạnh tranh lại gần nhau

Bình luận · 217 Lượt xem

Dự án V-SCOPE nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu.

Ngày 12/10, Dự án V-SCOPE đã tổ chức họp tổng kết các hoạt động năm 2023 đối với dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất, giá trị kinh tế của hệ thống canh tác, chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” tại tỉnh Đắk Lắk.

 

Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ và được Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF - còn gọi là World Agroforestry) chủ trì thực hiện, phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Phát triển Quốc tế Pháp (CIRAD) là bên cung cấp nhân sự cho dự án.

 

Tham dự có đại diện các đối tác của dự án từ Bộ NN-PTNT, các Ssở, ban, ngành từ các tỉnh mà dự án triển khai gồm Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các viện, trường, trung tâm nghiên cứu cũng như đại diện từ các doanh nghiệp và các đối tác trong nước.

 

Dự án đạt nhiều kết quả

Tại cuộc họp, TS Estelle Biénabe, Trưởng Dự án V-SCOPE cho biết, dự án nghiên cứu nhằm nâng cao tính bền vững năng suất, giá trị kinh tế của hệ thống canh tác, chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu.

 

Theo TS Estelle Biénabe dự án ra đời nhằm giải quyết việc thóa hóa đất, lạm dụng hóa chất và nước; quản lý kém trong trồng xen và đa dạng hóa nông trại; giải quyết chất lượng cà phê Robusta kém và vấn đề an toàn thực phẩm, giá trị thấp, dễ ảnh hưởng bởi giá quốc tế, tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu như hiện nay.

 

Dự án có 4 hợp phần chính là: Cải thiện sức khỏe đất và kiểm soát sâu bệnh từ đất ở các trang trại cà phê, hồ tiêu cũng như trong vườn ươm; Các phương pháp canh tác bền vững và hệ thống trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với các bối cảnh khác nhau; Cải thiện chuỗi giá trị địa phương tăng cường đối thoại công tư quốc gia; Cải thiện các sáng kiến cảnh quan nhiều bên liên quan và chiến lược mở rộng quy mô tăng cường đối thoại công tư ở địa phương.

 

“Sau thời gian triển khai, dự án đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó nổi bật là kết quả nghiên cứu trong ba mùa khô cho thấy cây cà phê được trồng dưới bóng cây ăn quả có mức tiêu thụ nước thấp hơn 20 - 30% so với điều kiện độc canh.

 

Bên cạnh đó, dự án cũng có nhiều phát hiện thú vị, đó là việc đã xác định được nguyên nhân gây bệnh ở rễ cây hồ tiêu, hiệu quả thấp trong việc sử dụng NPK cũng được chỉ ra trong các lô thử nghiệm.

 

Ngoài ra, dự án cũng đã phân loại 5 khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu tương ứng với các chiến lược thích ứng khác nhau. Trong khi đó, kết quả đánh giá về lao động và hiệu quả kinh tế của hệ thống trồng trọt dựa vào cà phê và hồ tiêu tại Việt Nam cho thấy có sự khác biệt đáng kể về tổng nhu cầu lao động”, TS. Estelle Biénabe chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Văn Long, thành viên nhóm nghiên cứu về sức khỏe đất về cà phê và hồ tiêu của dự án cho biết, nhóm nghiên cứu đã đạt được một số kết quả nhất định về thử nghiệm một số loại chế phẩm sinh học đang bán trên thị trường mà có khả năng phòng trừ tuyến trùng trên cây cà phê trong nhà lưới.

 

Trong quá trình thu thập 15 chế phẩm sinh học trên cây cà phê robusta tại Tây Nguyên, nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 5 loại chế phẩm tiềm năng trong việc giảm tuyến trùng trong đất. Từ kết quả này nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích thành phần, chất lượng của các loại chế phẩm.

 

“Khi có kết quả nghiên cứu nếu thành phần, chất lượng đảm bảo thì nhóm sẽ thử nghiệm trên vườn cà phê, hồ tiêu để từ đó đánh giá khả năng phản ứng ngoài thực địa. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng hoàn thành nghiên cứu về đặc tính liên quan đến sức khỏe của đất và phát hiện ra rằng độ pH trong đất khi bón vôi cao hơn một chút so với than sinh học, trong khi Kali oxit (K2O) tăng đáng kể khi bón than sinh học. Kết quả về mật độ nấm đất và giun tròn cho thấy rằng bản thân việc bón vôi là không đủ để tác động đáng kể đến việc giảm sâu bệnh hại từ đất.

 

Dựa trên 2 kết quả nghiên cứu này thì nhóm sẽ triển khai trên thực tế để giúp cho việc canh tác cà phê, hồ tiêu bền vững từ đó giảm thiểu nguồn phân bón hóa học vào trong đất…”, ông Long thông tin.

 

Địa phương hưởng lợi, doanh nghiệp gắn kết

Là một trong những địa phương được dự án chọn triển khai các nghiên cứu, ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết, địa phương hưởng lợi rất lớn từ dự án.

 

Theo ông Sự, dự án đã triển khai phân tích sức khỏe của đất để đưa ra khuyến cáo cho bà con nông dân làm sao bón cân đối những loại dinh dưỡng mà đất đang thiếu. Đối với các dinh dưỡng đang thừa thì cần hạn chế để tránh gây lãng phí.

 

“Ngoài ra dự án còn khuyến cáo người dân tưới tiết kiệm nước để đảm bảo làm sao đảm bảo môi trường cho diện tích trồng cà phê, hồ tiêu trên vườn tránh gây lãng phí. Huyện thường xuyên phối hợp hỗ trợ chuyên gia của dự án triển khai các nội dung tại địa phương làm sao có kết quả nghiên cứu nhanh nhất để chuyển giao đến người nông dân”, ông Sự nói thêm.

 

Trong buổi tổng kết, V-SCOPE cũng tăng cường mối liên kết công - tư với việc khởi động một dự án thuộc Quỹ Gắn kết Thương mại (CEF) do ACIAR tài trợ. Hiện có 7 công ty của Việt Nam tham gia và hợp tác trong dự án này.

 

Với sự tham gia đó, V-SCOPE đang thực hiện một nghiên cứu trường hợp tốt về việc các công ty có thể cùng nhau hợp tác mà không cảm thấy họ là đối thủ cạnh tranh của nhau.

 

Theo nhận xét của TS Howard Hall, Cố vấn Đặc biệt về Gắn kết và Tiếp nhận Thương mại của ACIAR, thì “dự án này thực sự là một ví dụ điển hình về cách gắn kết và mang các công ty đang cạnh tranh lại gần với nhau”.

 

Theo TS Howard Hall, khi triển khai dự án ACIAR có được bài học đáng giá là nếu muốn gắn kết thành công các công ty tư nhân vào dự án thì phải gắn kết họ trước khi được dự án được phê duyệt từ giai đoạn viết đề xuất. Khi khiến họ cảm thấy mình là một phần của dự án thì họ sẽ tự động gắn kết với nhau.

 

Dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” (V-SCOPE) hướng tới nâng cao sinh kế cho các nông hộ nhỏ và cộng đồng nông thôn. Ngoài ra, dự án hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và giúp sản xuất bền vững hơn, cũng như thúc đẩy chuỗi thị trường thực phẩm nông nghiệp toàn diện hơn thông qua hợp tác với khu vực tư nhân và nông dân.

Bình luận