Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản

Bình luận · 191 Lượt xem

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên là hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa, nhằm phát triển một số loài thủy sản bản địa có nguy cơ tuyệt chủng và mang giá trị kinh tế cao, góp phần cân bằng sinh thái, tăng mật đ

Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên nhận được sự quan tâm, tham gia, hỗ trợ và hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, tín đồ tăng ni, phật tử và cộng đồng xã hội. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định: Hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản được thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng.

 

Nhiều năm qua, An Giang duy trì việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm và hoạt động này nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, phải kể đến hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp trên sông Hậu sẽ được tổ chức liên tục từ năm 2022 - 2025, các địa phương sẽ luân phiên đăng cai chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ thả cá quy mô để tạo hiệu ứng lan tỏa.

 

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã duy trì tốt việc thả cá hàng năm để tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Tại huyện An Phú, hoạt động thả cá được địa phương duy trì liên tục nhiều năm nay. Nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân, nên quy mô tổ chức hàng năm ngày càng lớn hơn.

 

Ngày 29/9 (nhằm ngày 15/8 âm lịch), tại Búng Bình Thiên, UBND huyện An Phú long trọng tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên năm 2023. Sự kiện này được tổ chức quy mô, với sự tham dự của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện; lãnh đạo Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện An Phú; các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ và Nhân dân trong khu vực… nên có sức lan tỏa lớn.

Theo đó, hoạt động thả cá bản địa về thiên nhiên huyện An Phú năm nay nhận được sự ủng hộ của 47 tổ chức và 38 cá nhân đóng góp, với tổng số tiền 234,5 triệu đồng. Theo đó, có hơn 400.000 cá thể thủy sản (cá hô, cá tra dầu, cá cóc, cá mè hôi, cá heo, tôm càng xanh…) được thả về thiên nhiên.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng tri ân các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong thời gian qua đã đồng hành, ủng hộ cho hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản của huyện.

 

“Những đóng góp này đã mang lại lợi ích to lớn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn huyện An Phú nói chung và khu vực Búng Bình Thiên nói riêng, đặc biệt là góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản”- Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng nhấn mạnh.

 

Ở khu vực Búng Bình Thiên có đông đồng bào dân tộc thiểu số Chăm sinh sống. Cuộc sống bà con phần lớn bằng nghề đánh bắt thủy sản, làm vườn, mua bán nhỏ. Đồng bào ý thức rất cao việc khai thác thủy sản đúng quy định, trong đó không sử dụng ngư cụ cấm, xuyệt điện…

 

“Chính quyền tổ chức thả cá rất sôi nổi, người dân chúng tôi cũng nhiệt tình hưởng ứng. Đồng bào Chăm chúng tôi còn thường xuyên nhắc nhở nhau phải bảo vệ nghiêm ngặt, không được khai thác, đánh bắt cá trái phép. Mình phải bảo vệ thì mới có nguồn cá lớn để khai thác, nuôi sống gia đình. Khi nào chính quyền cho phép thì chúng tôi mới dám đánh bắt” - anh Aly (đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở xã Nhơn Hội) vui vẻ nói.

 

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện An Phú Ngô Công Thức cho biết, huyện duy trì rất tốt hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản từ nhiều năm. Năm nay, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn và thả lượng cá, tôm giống nhiều hơn, chất lượng cao hơn. Huyện đã yêu cầu 3 xã trong khu vực Búng Bình Thiên tăng cường tuyên truyền người dân tích cực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không đánh bắt trái phép, không đánh bắt bằng ngư cụ cấm và có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm.

 

Bình luận