Hàng loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ phá sản, tiềm ẩn rủi ro với nền kinh tế

Bình luận · 193 Lượt xem

Tình trạng phá sản doanh nghiệp tăng cao có thể tạo ra những “cơn ớn lạnh” trên khắp các thị trường tài chính, khiến cho hàng chục nghìn người mất việc, ví như vụ việc của Lehman Brothers năm 2008.

Làn sóng các vụ phá sản doanh nghiệp đang tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, có một yếu tố đáng lo hơn: Nhiều doanh nghiệp đang gặp rắc rối có quy mô lớn.

 

Trong năm nay, tại Mỹ có nhiều doanh nghiệp lớn như SVB Financial, Bed Bath & Beyond và Yellow đã nộp đơn xin phá sản theo chương 11 Luật phá sản của Mỹ. Những doanh nghiệp này đổ lỗi công việc kinh doanh khó khăn có nguyên nhân từ việc lạm phát leo thang, lãi suất cao, trợ cấp từ chính phủ giảm dần cũng như những vấn đề của chuỗi cung ứng còn tồn tại dai dẳng. Dự kiến sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phá sản, bởi lãi suất cao không khỏi đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn.

 

Dù bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào phá sản đều gây ra những căng thẳng, việc các doanh nghiệp lớn phá sản không khỏi tiềm ẩn những rủi ro kinh tế lớn. Nó có thể tạo ra những “cơn ớn lạnh” trên khắp các thị trường tài chính, khiến cho hàng chục nghìn người mất việc, ví như vụ việc của Lehman Brothers năm 2008, đồng thời khiến nhiều người dự báo về khả năng một đợt suy giảm kinh tế mới đang đến.

 

Trên thực tế, vụ sụp đổ của công ty vận tải Yellow trong mùa hè năm nay đã gây ra nhiều hiệu ứng trong khắp nền kinh tế, từ hoạt động vận tải cho đến các thị trường bất động sản hay phố Wall.

 

Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp Mỹ phá sản lần này vẫn không nhiều nếu so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hoặc thời kỳ kinh tế suy giảm vào năm 2020 khi các đợt sa thải mạnh tay không khỏi dẫn đến nhiều khó khăn kinh tế.

 

Trong năm ngoái, số lượng các doanh nghiệp lớn tại Mỹ phá sản thấp bất thường, chính vì vậy số lượng doanh nghiệp phá sản năm nay có nhiều hơn cũng không phản ánh cho điều gì quá đột biến.

Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu và nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động. Trong tháng 9/2023, giới chủ Mỹ bất ngờ tuyển dụng 336.000 người lao động trong khắp các ngành nghề.

 

Tuy nhiên, cùng lúc đó, việc so với cùng kỳ năm trước số lượng doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản theo chương 11 Luật Phá sản Mỹ tăng gấp 3 lần trong nửa đầu năm nay cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Nhiều hộ gia đình đã tiêu hết tiền tích lũy từ thời kỳ đại dịch COVID-19, nhiều ngân hàng hạn chế cho vay, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng vọt, tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

 

Chuyên gia kinh tế phụ trách Bắc Mỹ tại tổ chức Capital Economics, ông Stephen Brown, lo ngại việc số lượng doanh nghiệp phá sản tăng mạnh có thể coi như dấu hiệu bi quan với triển vọng kinh tế, bởi những doanh nghiệp khi tính đến phương án phá sản họ cũng sẽ buộc phải cắt giảm chi phí thông qua sa thải người lao động.

 

Trong tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở ngưỡng 3,8%, cao hơn so với ngưỡng thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,4% ở thời điểm đầu năm nay. Dù tăng trưởng việc làm vẫn ở ngưỡng cao, hiện đang có những dấu hiệu cho thấy số lượng việc làm mới ở doanh nghiệp lớn tăng thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nhỏ. Kết quả khảo sát của ADP cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân lớn cắt giảm 83.000 việc làm trong tháng 9/2023. Số lượng việc làm tại nhóm các doanh nghiệp lớn giảm 150.000 so với tháng 1/2023.

 

Nửa đầu năm 2023, ước tính có khoảng 16 vụ phá sản của doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp có từ 1 tỷ USD tài sản trở lên, cao hơn so với con số trung bình 11 doanh nghiệp/năm suốt từ năm 2005 đến năm 2022, theo số liệu của công ty tư vấn Cornerstone Research. Vụ phá sản của Tập đoàn tài chính SVB Financial Group, doanh nghiệp mẹ sở hữu Ngân hàng Silicon Valley, có quy mô lớn nhất. SVB Financial Group có tổng tài sản ước tính đến 20 tỷ USD ở thời điểm nộp hồ sơ phá sản.

 

Căng thẳng tài chính do vụ việc này nhanh chóng lan rộng, tạo ra rủi ro suy thoái kinh tế và khiến cho FED buộc phải can thiệp để trấn an các thị trường. Vụ việc Ngân hàng SVB sụp đổ không khỏi tạo ra tình trạng thắt chặt tín dụng tiềm ẩn rủi ro kinh tế.

 

Yellow - một trong những doanh nghiệp vận tải lớn nhất của Mỹ, trong mùa hè năm nay đã nộp hồ sơ xin phá sản. Vụ việc đóng cửa của công ty khiến cho 30.000 người lao động mất việc làm. Cuối năm 2020, Boeing thông báo sẽ sa thải ước tính khoảng 30.000 việc làm.

 

Tính trong tổng quan kinh tế Mỹ, số lượng người bị sa thải hiện vẫn ở ngưỡng rất thấp. FED sẽ tính toán rất chặt chẽ đến diễn biến của thị trường lao động trong các quyết định chính sách của mình. Khi lạm phát giảm, nhiều chuyên gia kinh tế đang hy vọng về khả năng kinh tế “hạ cánh mềm”, tuy nhiên nhiều người khác không lạc quan đến như vậy.

 

Thêm nhiều vụ phá sản doanh nghiệp kết hợp với thị trường chứng khoán giảm điểm và tình trạng vỡ nợ thẻ tín dụng tăng lên cho thấy kinh tế Mỹ có thể đang hướng đến suy thoái, dù rằng mức độ suy thoái không tồi tệ như thời kỳ năm 2007 – 2009, chuyên gia kinh tế trưởng tại GlobalData TS Lombard – ông Steven Blitz nhận định.

 

Nhận định về diễn biến lãi suất tại Mỹ, theo quan điểm của giám đốc khối nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC - TS. Frederic Neumann, dựa trên các số liệu thống kê đến hiện tại, FED không tăng lãi suất mạnh như lạm phát nên không thể kỳ vọng FED sẽ giảm nhanh lãi suất. Chính vì vậy, nếu có điều chỉnh lãi suất sẽ phải là nửa sau của năm sau. Chi phí vốn sử dụng đồng USD hiện cao hơn, chi phí vốn toàn cầu vì vậy cũng sẽ có những tác động. Chỉ số DXY đang tăng trở lại, xung đột Nga – Ukraine khiến cho đồng USD tăng rồi lại giảm xuống và hiện tại lại tăng lên do căng thẳng ở Trung Đông leo thang.

Bình luận