Hiện nay, ở bất kỳ lĩnh vực nào, sự phát triển cũng đi đôi với việc ứng dụng khoa học công nghệ, ngành thủy sản cũng không ngoại lệ. Nhờ áp dụng công nghệ mới, các bãi cát hoang, những nương sắn cằn cỗi dọc bờ biển Xuân Phổ (Hà Tĩnh) đã trở thành những cánh đồng nuôi tôm công nghiệp trù phú. Cũng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mà vùng đất Cà Mau đã gia tăng tổng sản lượng tôm nuôi, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada…
Hoặc tại vịnh Văn Phong (Khánh Hòa) đã mở ra sự phát triển bền vững mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp, đây là trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đó chính là những minh chứng thiết thực của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản trong những năm qua.
Trong nuôi biển theo hướng công nghiệp, tầm quan trọng của khoa học công nghệ càng được nâng cao. Theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nguyên Giám đốc Viện Hải Dương học Nha Trang, thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, hiện nay, mức độ tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản đã giảm, sản lượng khai thác thủy sản cũng đã đến ngưỡng “kịch trần”, thế nên nuôi biển trở thành cứu cánh để tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng trưởng xuất khẩu, giải quyết việc làm cho ngư dân.
“Thế nhưng nếu cứ nuôi biển theo phương thức truyền thống như bấy lâu nay thì sản lượng cũng sẽ “dậm chân tại chỗ”, phải chuyển phương thức nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp, đây là hướng đi tất yếu của ngành thủy sản. Nuôi theo phương thức truyền thống với qui mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi đều làm từ vật liệu gỗ nên không chịu đuợc sóng to gió lớn. Thêm vào đó, đa số đều sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn dến môi truờng nuôi bị ô nhiễm gây thiệt hại về kinh tế do tôm, cá chết vì thiếu ô xy và nhiễm độc tố. Môi trường sinh thái biển suy giảm nghiêm trọng, lại gây phản cảm về cảnh quan”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn chia sẻ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là nuôi biển theo hướng công nghiệp cần phải thay đổi vật liệu lồng bè; tăng tỷ lệ thức ăn nhân tạo, nhất là với tôm hùm; quy hoạch giảm mật độ nuôi; ứng dụng nuôi đa loài; quản lý và xử lý chất thải rắn, nhất là nhựa; quan trắc môi trường thường kỳ.
“Những việc cần làm ngay là phải xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho các trang trại nuôi cá biển ở các vũng vịnh, vùng biển mở; trang trại nuôi nhuyễn thể và các loài giáp xác dưới đáy biển, treo trong lòng biển; trang trại nuôi rong biển và nuôi biển đa loài tích hợp. Ví như tích hợp nuôi biển với điện gió ngoài khơi, khoảng cách giữa các trụ điện gió cách nhau 1km, khoảng không gian này rất tuyệt vời cho nuôi biển. Nếu không có những tiêu chuẩn nêu trên thì không có ngành nuôi biển công nghiệp”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn khẳng định.
Thu hẹp khoảng cách giữa nhà khoa học và doanh nghiệp
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn nhìn nhận, vấn đề phát triển, chuyển giao công nghệ liên quan nuôi biển hiện còn là lĩnh vực chưa được tổ chức bài bản, người nuôi chủ yếu “học lỏm” và dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Các công nghệ chủ yếu phục vụ nuôi biển là sinh sản nhân tạo và duy trì chất lượng giống; chế tạo vật liệu, phương tiện, công cụ nuôi biển tiên tiến; sản xuất thức ăn nhân tạo và cung cấp thức ăn tự động đến lồng nuôi; công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nuôi biển hữu cơ; công nghệ cơ giới thu hoạch, bảo quản, vận chuyển hải sản sống; công nghệ chế biến sản phẩm hải sản giá trị gia tăng, tách chiết hoạt chất; kinh tế tuần hoàn tận dụng tối đa phế liệu chế biến; tự động hóa hoạt động nuôi biển và kiểm soát môi trường biển real-time; công nghệ thông tin và viễn thám; số hóa quản lý nuôi biển; nuôi thiên nhiên ở vùng biển do doanh nghiệp quản lý; nuôi biển trên bờ bằng công nghệ RAS.
“Công nghệ cần thiết để nuôi biển dày đặc là thế nhưng hiện nay việc chuyển giao còn rất hạn chế, 10 - 20 năm nay chưa chuyển giao được gì. Vấn đề này cần xem lại về mặt chính sách, tổ chức thực hiện”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đề nghị.
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn nhấn mạnh về nuôi thiên nhiên: “Ở nước ngoài có người thuê cả vùng biển, đổ đá lên để nuôi bào ngư, hải sâm mỗi năm kiếm cả chục triệu USD. Trong khi ở Việt Nam đầy những vùng biển như vậy, không cần đổ đá vì đã có rạn ngầm. Nếu quản lý được, làm được thì nuôi biển tự nhiên như vậy vừa thân thiện với môi trường vì không phải cho ăn, vừa ít tốn chi phí đầu tư lại hiệu quả cao, thế nhưng phải cần đến công nghệ”.
Về nuôi biển có rất nhiều đề tài công nghệ nhưng nhưng không đến được với thực tiễn sản xuất. Ví như ở Phú Yên có đề tài về tôm hùm được đánh giá xuất sắc, phù hợp với thực tiễn, đề tài này được nghiệm thu từ năm 2013 mà đến nay vẫn chưa được áp dụng. Hoặc về thức ăn cho tôm hùm cũng đã có rất nhiều đề tài rồi nhưng không đưa ra thực tiễn được. “Phải chăng là do các nhà khoa học làm đề tài chỉ để báo cáo, không phối hợp, cùng đầu tư với doanh nghiệp để đưa đứa con tinh thần của mình đi vào thực tiễn sản xuất”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đặt vấn đề.
Cách đây khoảng 20 năm, khi PGS.TS Võ Sĩ Tuấn còn tham gia phục hồi môi trường tại vịnh Nha Phu (TP Nha Trang, Khánh Hòa), các nhà khoa học Nga lắc đầu trước sự suy thoái về môi trường của vịnh Nha Phu, cho rằng không thể phục hồi. Thế nhưng PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đã làm được bằng cách mang vẹm từ nơi khác về phối hợp với người dân địa phương thả nuôi. Người dân nuôi vẹm không lấy tiền công, chỉ thu sản phẩm, đề tài chỉ tốn có 20 triệu đồng mà hàng trăm hộ dân được hưởng lợi.
“Nhà nước phải lập ra quỹ phục vụ nghiên cứu các đề tài khoa học và quản lý theo kiểu làm khoa học ứng dụng chứ không phải nghiên cứu rồi để đó, phải có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học thực hiện điều này. Hoặc các nhà khoa học phối hợp với doanh doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu rồi ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, hoặc Nhà nước có nguồn ngân sách đầu tư dài hơi để đầu tư vào công nghệ”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đề xuất.
Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản), trong năm 2023, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển. Tiến hành vừa nghiên cứu vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn. Tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn. Thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các trại nuôi biển; đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý.
“Để phục vụ việc chuyển đổi nuôi biển từ phương thức truyền thống sang công ngiệp, trong năm 2023, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển. Nghiên cứu công nghệ trồng cấy vi tảo, tạo ra sinh khối lớn cung cấp nguyên liệu cho ngành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và sản xuất nhiên liệu sinh học. Nghiên cứu công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm, chiết xuất các vi chất từ sản phẩm nuôi biển, phụ phẩm chế biến từ nuôi biển. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho lồng bè, lao động. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến tầm quan trọng phát triển công nghiệp nuôi biển, đồng thời đổi mới và xây dựng các chương trình đào tạo nghề nuôi biển”, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản.