Biến đồi hoang thành trang trại tổng hợp, bốn mùa cây trái sum suê

Bình luận · 193 Lượt xem

Gần 20 năm miệt mài cải tạo đất, phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ, trang trại của anh Thái bốn mùa cây trái sum suê, mỗi năm thu gần 800 triệu đồng.

Sau hơn 20 năm đầu tư miệt mài, mô hình trang trại trồng cây ăn quả tổng hợp của anh Nguyễn Hùng Thái (tổ dân phố Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã cho những trái ngọt.

Dẫn chúng tôi thăm trang trại với nhiều loại cây ăn quả như hồng, cam, ổi, bưởi…, cây nào quả cũng trĩu cành, anh Thái vui vẻ chia sẻ, trước đây, anh tốt nghiệp công nhân xây dựng nhưng ra đi làm rất vất vả. Lúc đó, nhà nước có chương trình xây dựng vùng kinh tế mới tại khu vực núi Khe Thờ - một vùng núi hẻo lánh, đất trống đồi trọc. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự quyết tâm và nghị lực vượt khó, anh đã chọn nơi đây lập nghiệp.

 

Anh bắt tay cải tạo đất đai, vay vốn từ ngân hàng, anh em bạn bè để đầu tư trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Thời gian đầu, do đất mới cải tạo, kỹ thuật trồng cây và chăn nuôi vẫn theo phương thức truyền thống nên hiệu quả chưa cao. Sau những thất bại ban đầu, anh Thái đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài học hỏi kiến thức qua sách báo, anh còn trực tiếp học tập kinh nghiệm từ các vườn cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, tham gia các buổi tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức... Từ những kiến thức được học kết hợp những kinh nghiệm tự tích lũy ngay tại vườn nhà, đến nay, trang trại tổng hợp hơn 5ha của anh đã đem lại thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.

 

Năm 2021, diện tích cam của anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc nên vườn cam hiện nay đầy sức sống, sạch sẽ, thoáng đãng, hệ thống tưới tiêu, bón phân hữu cơ đồng bộ, cây nào cũng trĩu quả, quả to đều, mẫu mã đẹp. Sản phẩm tiêu thụ rất tốt do đảm bảo an toàn. Trang trại anh Thái hiện có hơn 100 gốc cam giòn đã cho thu hoạch vụ thứ 4. Đây là giống cam ngon, ngọt, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Xen giữa những vườn cam và bưởi, anh Thái trồng thêm ổi lê Đài Loan. Anh áp các kỹ thuật rải vụ để cây ổi ra quả quanh năm. Ổi giòn, ngọt, được các cửa hàng hoa quả tại TP Hà Tĩnh lựa chọn. Với 200 gốc ổi, mỗi năm cho thu hoạch từ 2 - 3 tấn, giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, anh thu về hơn 50 triệu đồng.

 

Bên cạnh đó, hơn 100 gốc hồng vuông mỗi năm cho thu hoạch hơn 20 tấn, với giá bán tại vườn bình quân 10.000 đồng/kg, anh thu về hơn 20 triệu đồng. Hồng là cây lâu năm, dễ chăm sóc, năng suất cao. Anh cho biết chỉ cần làm cỏ xung quanh gốc và bón phân nên không tốn nhiều thời gian và chi phí.

 

Dưới tán cây ăn quả, anh nuôi thêm 22 đàn ong, vừa giúp thụ phấn tự nhiên cho cây, vừa tăng thêm thu nhập. Mỗi năm anh thu về hơn 200 lít mật ong, giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/lít, thu nhập 50 triệu đồng. Nuôi ong không tốn chi phí vì ong tận dụng nguồn phấn hoa tự nhiên trong vườn nên chất lượng mật thơm ngon, đảm bảo an toàn, được người tiêu dùng rất ưa chuộng nên lúc nào cũng "cháy hàng".

Để đảm bảo nguồn phân bón cho vườn cây ăn quả, đồng thời tận dụng diện tích cỏ tự nhiên, anh nuôi 18 con bò, trong đó có 8 con bò sinh sản, 1 con bò đực giống. Mỗi năm số tiền bán bò thịt và bê khoảng 100 triệu đồng.

 

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng, anh đã chuyển sang chăm sóc các loại cây ăn quả trong vườn theo hướng hữu cơ. Anh áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc đối với từng loại cây, nhất là việc bảo vệ quả, bọc nilon để ngăn côn trùng đốt, chích đẻ trứng, bảo đảm quả khi thu hoạch vừa đẹp về mẫu mã, vừa chất lượng.

 

Anh Thái nuôi hơn 20 thùng ong trong trang trại để vừa thụ phấn cho cây ăn quả, vừa tăng thu nhập. Ảnh: Ánh NguYệt.

Thực hiện mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ, anh Thái không sử dụng phân bón hóa học mà thay thế bằng những phụ phẩm nông nghiệp như dùng rơm rạ phủ gốc cây để giữ ẩm, tự phân hủy tạo mùn cho đất. Anh ủ phân chuồng bằng men vi sinh, kết hợp mua đậu tương, cá tạp... để ủ làm phân hữu cơ sinh bón cho cây, dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, không sử dụng thuốc diệt cỏ nhằm đảm bảo sản xuất các sản phẩm cam, bưởi, ổi, hồng… đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bình luận