Người dân trồng lúa được mùa, được giá. |
Nông sản được mùa, được giá
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, tuy chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất nông nghiệp khá thuận lợi, các mặt hàng nông sản chủ lực ngày càng được ưa chuộng và đều được giá trên thị trường thế giới.
Điển hình người nông dân trồng lúa cả nước đều rất phấn khởi khi giá lúa gạo tăng cao. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 542 USD/tấn - tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt trong tháng 8/2023 giá gạo 5% tấm xuất khẩu đạt mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn. Như vậy giá gạo xuất khẩu nước ta đang "neo" đỉnh 15 năm và ở mức cao nhất thế giới.
Giá cà-phê xuất khẩu bình quân trong 8 tháng cũng đạt 2.455 USD/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến giữa tháng 8-2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,54 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu 2,81 tỷ USD, giảm 20% về lượng, nhưng tăng gần 5% về giá trị do giá xuất khẩu tăng cao.
Một điểm sáng nữa là mặt hàng rau, quả tăng hơn 68% so với cùng kỳ và vượt cả năm 2022 và hoàn toàn có khả năng xác lập kỷ lục mới, chạm mốc 5 tỷ USD trong năm 2023.
Chỉ sau 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã ước đạt 33,21 tỷ USD. Riêng các mặt hàng nông sản đóng góp 16,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái được đóng góp bởi giá trị xuất khẩu tăng của các nhóm hàng rau quả 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%....
Doanh nghiệp phân bón nỗ lực bảo đảm nguồn cung chất lượng
Giá nông sản tăng cao, bà con nông dân phấn khởi đang tích cực chuẩn bị sớm cho vụ thu đông cũng như chăm sóc cho các vườn cây sau thu hoạch. Điều này dẫn đến nhu cầu về vật tư nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là phân bón.
Trong thời gian qua, tuy nguồn cung phân bón trong nước khá ổn định, nhưng những câu chuyện đáng ngại về nạn phân bón kém chất lượng, nhất là phân bón nhập khẩu qua đường tiểu ngạch cũng làm bà con nông dân hoang mang và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trồng trọt, mùa vụ của bà con.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang vận hành tối đa công suất. |
Trong tình hình đó, các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón uy tín trong nước đang nỗ lực để cung ứng tối đa ra thị trường các sản phẩm phân bón chất lượng cao nhất. Điển hình như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) - đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ, cho biết Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đẩy công suất lên tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của bà con nông dân.
Từ đầu năm đến nay, PVFCCo đã đưa ra thị trường 640 nghìn tấn Đạm Phú Mỹ và 90 nghìn tấn NPK Phú Mỹ. Dự kiến trong 4 tháng cuối năm, PVFCCo sẽ đưa ra thị trường thêm 500 nghìn tấn phân bón Phú Mỹ các loại.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ bà con nông dân khi sản xuất nông nghiệp đang thuận lợi, PVFCCo tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng tại địa phương cũng như tận dụng các kênh mạng xã hội tăng cường hướng dẫn, thông tin, giải đáp về kỹ thuật nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm vật tư nông nghiệp mà vẫn cho năng suất và chất lượng cao nhất.
PVFCCo tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. |