Ngập nước, lao động thất nghiệp, nhà ở xã hội... 'nóng' ở tiếp xúc cử tri TP.HCM

Bình luận · 204 Lượt xem

Đa số ý kiến cử tri tại Q.4, Q.7, H.Nhà Bè (TP.HCM) về vấn đề dân sinh, an sinh xã hội, nhất là nhà ở xã hội, tình trạng lao động thất nghiệp, sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), tình trạng ngập lụt, kẹt xe...

Chiều 10.10, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP.HCM Nguyễn Trần Phượng Trân và trung tướng Dương Văn Thăng, Phó chánh án TAND tối cao, tiếp xúc cử tri tại Q.7, kết nối trực tuyến với các điểm cầu Q.4, H.Nhà Bè.

 

"Chính sách về nhà ở xã hội chưa công bằng"

Cử tri Trần Thị Hồng Phượng (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.7) có góp ý về dự thảo luật Nhà ở (sửa đối). Cụ thể, theo bà Phượng, quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân gồm công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa thỏa đáng.

Không chỉ những người đang làm việc trong các khu công nghiệp mới có nhu cầu về nhà ở xã hội, còn rất nhiều công nhân lao động đang làm việc bên ngoài rất quan tâm và mong muốn được hỗ trợ. Tôi chưa hiểu vì sao lại có sự phân biệt này. Đây cũng là ý kiến chung của anh chị em công nhân lao động. Rất mong bất kỳ lao động nào đều có cơ hội được tiếp cận với chính sách hỗ trợ", cử tri Phượng nói.

Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có dự thảo quy định các đối tượng như người có thu nhập thấp, công nhân lao động trong khu công nghiệp phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, cử tri Phượng cho rằng tiêu chí này chưa công bằng.

 

"Ví như tôi không có người phụ thuộc thì mức thu nhập tôi có thể phải đóng thuế, nhưng không có nghĩa là tôi thu nhập cao hơn những người có người phụ thuộc. Hơn nữa, với mức tính thuế thấp như hiện nay thì dù thu nhập tôi trên 11 triệu đồng/tháng thì cũng không dư dả với mức sống tại thành phố. Nếu quy định vậy thì khó có cơ hội cho công nhân, người lao động trẻ tiếp cận nhà ở xã hội", cử tri Phượng nêu ý kiến.

Hiệu quả tăng lương cơ sở không cao

Đề cập đến đời sống công nhân, cử tri Lê Thị Thu (xã Long Thới, H.Nhà Bè) nói: "Doanh nghiệp khó khăn, cơ hội việc làm còn thấp, nhất là đối với lao động phổ thông, cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ cho công nhân lao động. Trong tương lai, tôi cho rằng cần đẩy mạnh chính sách đào tạo nghề, đầu tư cho các trường nghề để cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho thành phố"

Cử tri Phạm Hồng Thắm (Q.7) cho rằng việc tăng lương trong thời gian qua không đạt được hiệu quả cao bởi số tiền tăng vẫn chưa theo kịp các chi phí tiêu dùng như thực phẩm, điện, nước... Vì vậy, việc tăng lương cần phải nghiên cứu điều chỉnh phù hợp, đi kèm với ổn định giá cả thị trường.

TP.HCM cần tăng cường đầu tư chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục... Nhất là hiện nay người lao động rút BHXH 1 lần rất nhiều. Cần phải có giải pháp, nhất là sự vào cuộc của Ngân hàng Chính sách xã hội, để giúp công nhân có tiền trang trải, để họ giữ được thời gian đóng BHXH", cử tri Thắm nói.

 

Một số ý kiến cử tri Q.4 cũng đề nghị xử lý nghiêm tình trạng trốn đóng, nợ BHXH; tăng độ hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện...

 

Bao giờ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, kẹt xe?.

Cử tri Nguyễn Xuân Mừng (P.Phú Mỹ, Q.7) chất vấn khi nào TP.HCM sẽ có giải pháp dứt điểm vấn đề ngập, kẹt xe?

Về giao thông, ông Mừng nói: "Người dân Q.7 có linh cảm bị tách rời khỏi trung tâm. Chỉ cách một đến hai cây cầu, nhưng có việc gì phải đi vào trung tâm TP.HCM là kẹt xe kinh khủng".

 

Ông Mừng nhận định, chính sách giãn dân ra khỏi trung tâm thành phố áp dụng thời gian qua không làm giảm mà ngược lại là tăng dân. "Ví dụ Trường đại học Cảnh sát, giãn dân ra đâu không giãn lại đưa về Q.7, xung quanh đã có các trường đại học, khu dân cư. Như vậy thì có phải là giãn dân không?", ông Mừng đặt vấn đề.

Bình luận