Hiệu quả kinh tế cao
Thừa hưởng từ nguồn nước sạch của lòng hồ Trị An, sông La Ngà được xem là địa điểm lý tưởng để nuôi cá lồng bè. Từ đó, huyện Định Quán đã có hàng trăm hộ dân chọn nơi đây để lập nghiệp với nghề nuôi cá nước ngọt như chép, trắm cỏ, lăng nha, diêu hồng… trong lồng bè.
Theo bà con địa phương, nếu điều kiện khí hậu thuận lợi, người nuôi cá diêu hồng và cá lăng nói riêng và các loại cá nước ngọt nói chung trong lồng bè cho thu nhập cao, ổn định trên sông nước ngọt Đồng Nai.
Là một trong những hộ có thâm niên nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà, anh Nguyễn Văn Nhì Anh (xã La Ngà, huyện Định Quán) cho biết, nghề nuôi cá lồng bè ở đây đã có từ rất lâu. Lúc đầu chỉ vài hộ nuôi nhưng hiện nay thì có gần 200 hộ sinh sống dọc ven sông nuôi cá với khoảng trên 1.000 lồng, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân.
Theo anh Nhì Anh, hiện cá diêu hồng đang được các thương lái đến tận bè thu mua với giá 50.000 đồng/kg, đây là mức giá vẫn đảm bảo lợi nhuận; có thời điểm giá cá lên tới trên 55.000 đồng/kg thì bà con thắng lớn.
“Mỗi lồng bè có diện tích trung bình 35/m2, cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm, dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, nhờ nước chảy, lượng oxy trong nước cao là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, bình quân lợi nhuận đem lại đạt từ 40 đến 60 triệu đồng/lồng bè”, anh Nhì Anh chia sẻ.
Cách đó không xa là bè cá của anh Lê Văn Tuấn, hiện bè cá của anh cũng đang chuẩn bị thu hoạch. Không giấu được niềm vui, anh Tuấn chia sẻ, vì khu vực nuôi nằm trên thượng nguồn sông La Ngà, với địa hình đồi dốc, tốc độ dòng chảy lớn, nhất là mùa mưa lũ, do đó, việc nuôi cá lồng bè ngại nhất là thiên tai. Tuy nhiên, những năm gần đây được chính quyền cảnh báo sớm nên người nuôi cá ít thiệt hại. Đặt biệt, năm nay, cá được mùa lại được giá, bà con nơi đây ai cũng phấn khởi.
“Hiện nay mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Định Quán và Tân Phú phát triển tương đối mạnh bởi tiềm năng có mặt nước hai dòng sông La Ngà. Đây là điều kiện phù hợp để phát triển nuôi các loại cá truyền thống. Tuy nhiên, khuyến cáo vào mùa mưa lũ, các hộ dân nuôi thủy sản phải di chuyển lồng nuôi cá đến vị trí an toàn và neo cột chặt lồng nuôi cá, tránh bị dòng nước cuốn trôi”, ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Nai đánh giá.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó phòng NN-PTNT huyện Định Quán, vào giai đoạn thời tiết giao mùa, mực nước hồ Trị An xuống thấp khiến diện tích mặt nước lòng hồ bị thu hẹp. Để tránh những tổn thất, UBND huyện Định Quán phối hợp với Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Đồng Nai vận động người dân di dời lồng bè về nơi an toàn, tránh tập trung ở khu vực cầu La Ngà (từ Suối Tam Bung đến Ngã 3 sông La Ngà, huyện Định Quán).
"Hiện, đa số các hộ dân cũng đã chấp nhận di dời về vùng nuôi số 5, số 8 theo quy hoạch. Vẫn có các hộ sinh sống ven cầu La Ngà nhưng chủ yếu là để ở chứ không chăn nuôi cá, còn đa số các hộ nuôi cá bè ở khu vực trên đã di dời bè nuôi đến khu vực an toàn trên hồ Trị An", ông Nguyễn Trường Giang thông tin.
Sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, năm 2022, giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh đạt 2.555 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi, người nuôi trồng thủy sản đã chú trọng đến đầu tư thâm canh, tăng năng suất để đạt hiệu quả kinh tế cao, công tác phòng, chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống.
Có được hiệu quả kinh tế này nhờ người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi từ phương thức nuôi quảng canh sang phương thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, chuyển đổi đối tượng nuôi kém hiệu quả sang đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ, tôm càng xanh và một số loại cá nước ngọt khác.
Hiện cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng tỷ trọng sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt và chất lượng con giống theo hướng sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Nhằm giúp các hộ nuôi cá lồng bè ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí dự án sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời và giải tỏa lồng bè dư dôi trên hồ Trị An. Dự án do Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Mục tiêu của dự án bố trí, sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An đảm bảo ổn định hoạt động nuôi, đảm bảo chất lượng môi trường và hiệu quả kinh tế, hướng đến mục tiêu nuôi thủy sản bền vững trên lòng hồ Trị An.
Theo quyết định trên, số lượng hộ điều tra tổng cộng khoảng 200 hộ gồm 100 hộ khu vực nuôi cá lồng bè thuộc địa bàn xã Phú Ngọc, xã La Ngà (huyện Định Quán) và chọn 100 mẫu đại diện các hộ nuôi tại xã Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán), xã Mã Đà, Suối Tượng, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu).
Trong giai đoạn 1 (2023 - 2024) dự án sẽ nghiên cứu, đánh giá lại hiện trạng lồng bè và các vùng nuôi; Xây dựng phương án thực hiện sắp xếp ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An; Xây dựng định mức hỗ trợ sắp xếp, di dời, giải tỏa lồng bè dôi dư.
Giai đoạn 2 (2024 - 2026) sẽ tuyên truyền chủ trương sắp xếp, di dời và giải tỏa lồng bè dôi dư nhằm tạo sự đồng thuận cao của các hộ dân nuôi thủy sản trên hồ Trị An; Tổ chức thực hiện sắp xếp, di dời và giải tỏa lồng bè theo các phương án đề xuất.
Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 1 là hơn 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2, kinh phí thực hiện tổ chức sắp xếp, di dời và giải tỏa lồng bè trên hồ Trị An sẽ được xây dựng theo phương án đề xuất của giai đoạn 1 sau khi được phê duyệt. Nguồn kinh phí thực hiện của dự án từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An” được thực hiện trên quan điểm: Phát triển nuôi thủy sản trên hồ Trị An phải phù hợp với chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam và các quy định về phát triển nuôi cá lồng bè theo Luật Thủy sản; Nuôi thủy sản phải đảm bảo tính liên ngành, liên vùng và hài hòa lợi ích với các ngành kinh tế khác.
Trong đó, phát triển nghề nuôi thủy sản hồ chứa với nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó lấy kinh tế hộ gia đình là chính. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý tài nguyên đất, mặt nước cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh. Nâng cao vai trò sở hữu nhằm thúc đẩy tính tự chủ trong phát triển. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất, xây dựng và tổ chức kiểm soát môi trường và nguồn lợi trên hồ.
Đề án hướng tới mục tiêu: Phát triển nuôi thủy sản lồng, bè trên cơ sở khai thác, tận dụng tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước hồ thủy điện Trị An nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển du lịch và đáp ứng đa mục tiêu trong việc sử dụng hồ chứa; Đồng thời, khai thác một cách tối ưu nguồn lợi thủy sản từ việc nuôi cá lồng, bè, khai thác tổng hợp tiềm năng mặt nước hồ Trị An, xác định phạm vi nuôi trồng thủy sản và khả năng nuôi trồng trong giai đoạn lâu dài.
Hiện giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường ít biến động nên hộ nuôi trồng thu hoạch cơ bản có lợi nhuận. Ngoài ra, các hộ nuôi trồng thủy sản cũng đã chủ động cải thiện đầu tư ao hồ, con giống vật nuôi, thay đổi cách nuôi nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là các loại thủy sản có giá bán ổn định và thị trường tiêu thụ tốt như tôm sú, cá chép, cá mè, cá diêu hồng, cá lăng. Ước tính tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 35.000 tấn, tăng 4,39% so cùng kỳ. Hiệu quả sử dụng đất thủy sản cũng không ngừng tăng lên, đạt mức trêm 485 triệu đồng/ha/năm