Địa phương cần chủ động giao mặt nước biển theo thẩm quyền

Bình luận · 146 Lượt xem

Khởi động chuyển đổi nghề nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp, trong khi chờ quy hoạch không gian biển, các địa phương cần chủ động giao mặt nước biển theo thẩm quyền.

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nếu cứ trông chờ công bố quy hoạch không gian biển rồi mới triển khai thì e chừng muộn mất. Ngay từ bây giờ, UBND các tỉnh nên chọn những doanh nghiệp có tiềm lực nuôi biển, giao trước cho họ những vùng biển từ 6 hải lý trở vào trong thẩm quyền; còn cấp huyện, thành phố cũng làm như vậy đối với diện tích mặt biển từ 3 hải lý trở vào, những vùng biển chắc chắn sẽ dành cho nuôi biển để họ triển khai nuôi thử nghiệm. Đến khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ thì làm thủ tục giao hẳn để họ bắt tay vào làm luôn.

 

Theo định hướng phát triển nuôi biển ở Bình Định, tỉnh này quy hoạch vùng nuôi biển tập trung, diện tích đủ lớn, tránh chồng lấn với các quy hoạch khác để có kế hoạch đầu tư. Phát triển nuôi biển theo hướng thâm canh tập trung với phương thức nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển vùng chuyên canh thủy sản ở các địa phương ven biển, phát triển một số sản phẩm nuôi có tiềm năng; nuôi tôm hùm, cá biển tại vùng biển Quy Nhơn và Phù Mỹ.

Đến năm 2030, nuôi biển ở Bình Định sẽ đạt 80.000m3 diện tích mặt nước, chủ yếu ở vùng biển TP Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ. Chúng tôi đang tổ chức thực hiện giao mặt nước biển theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ cho tổ chức, cá nhân nuôi biển để đăng ký, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi biển trên địa bàn. Nghiên cứu triển khai Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

 

Cũng theo ông Phúc, đối với vùng biển dưới 6 hải lý, Bình Định thực hiện giao mặt nước biển theo Điều 44, Luật Thủy sản 2017 để người nuôi trồng thủy sản yên tâm đầu tư sản xuất ổn định đời sống. Khuyến khích các hộ nuôi chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bằng vật liệu HDPE có quy mô nhỏ (60 - 180 m3/lồng) để chống chịu sóng gió, đảm bảo an toàn, mỹ quan đồng thời kết hợp mô hình du lịch biển. Đối với vùng biển hở xa bờ ngoài 6 hải lý, Bình Định kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng hệ thống lồng bè hiện đại với vật liệu HDPE, tiến đến khả năng điều chỉnh nâng hạ lồng để tránh bão, qui mô lớn từ 300 - 15.000 m3/lồng để tăng sản lượng nuôi công nghiệp

Tỉnh Phú Yên cũng có chủ trương như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, tỉnh mới có quy hoạch chung của ngành nông nghiệp với nhiều lĩnh vực. Sở NN-PTNT Phú Yên đã đề xuất UBND tỉnh cho quy hoạch riêng 1 đề án về nuôi trồng thủy sản thì vướng cơ chế tài chính. “Quy hoạch chung thì quyết toán được, nhưng quy hoạch đề án thì vướng. Sở Tài Chính Phú Yên đã xin Bộ Tài Chính nhưng Bộ không có ý kiến, giờ chúng tôi không biết phải làm thế nào”, ông Tùng nói.

 

“Để khuyến khích phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, trong diện tích mặt biển từ 6 hải lý trở vào, UBND các tỉnh cần có quy hoạch rõ ràng vùng nuôi, đặt tiêu chuẩn cụ thể doanh nghiệp, ngư dân được nuôi phải đạt tiêu chí gì. Đồng thời có cơ chế rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, đừng để doanh nghiệp, ngư dân chạy ra Trung ương”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, đề xuất.

Bình luận