Hình thành nhiều sản phẩm OCOP
Phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP (Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm) không chỉ góp phần nâng cao giá trị các loại nông sản và sản vật địa phương mà còn tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động tại các địa phương.
Theo Bộ NN&PTNT, Chương trình OCOP đã được các địa phương trong cả nước hưởng ứng rất tích cực và đến nay đã có 10.323 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 đến 5 sao của 5.362 chủ thể OCOP. Trong đó, có 38,1% sản phẩm OCOP có chủ sở hữu là HTX, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là chủ cơ sở, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Chương trình OCOP đã giúp phát huy tài nguyên bản địa, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền... Qua đó, góp phần tạo các cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển du lịch NN&NT. Ở chiều ngược lại, việc phát triển du lịch cũng tạo nhiều cơ hội cho người dân và các chủ thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông đặc sản, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ nông sản. Do vậy, rất cần sự kết nối và gắn kết giữa các bên liên quan để phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP với phát triển du lịch.
Thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch NN&NT gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP cũng đã và đang được Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, Trung ương và địa phương quan tâm thực hiện nhằm mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp và nông thôn. Tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Gắn kết giữa du lịch và tiêu thụ sản phẩm OCOP
Để phát triển bền vững các sản phẩm OCOP, cần phải có các giải pháp quảng bá, thúc đẩy đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Trong đó, việc quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua “kênh” du lịch là rất quan trọng.
Theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, với sự gia tăng sản lượng, sản phẩm sản phẩm OCOP ngày càng lớn, rất cần phải tiếp tục thúc đẩy hơn việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm OCOP từ xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác và tỉnh này sang tỉnh khác, cũng như ra thị trường quốc tế bằng nhiều kênh tiêu thụ. Trong đó, chú ý xuất khẩu thông qua con đường du lịch, nhất là khi nhiều sản phẩm OCOP thường có quy mô sản xuất nhỏ, không đủ số lượng lớn để xuất theo dạng đóng container. Qua thực tế cho thấy, nhiều địa phương, sản phẩm OCOP đã được bày bán, giới thiệu ở nhiều khu du lịch, homestay và đã lên máy bay cùng với khách du lịch để xuất ngoại đi nhiều nước như Anh, Pháp, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, không phải địa phương, đơn vị nào cũng làm tốt việc quảng bá, xuất khẩu sản phẩm OCOP theo hình thức này. Vì vậy, tới đây các địa phương cần phối hợp, gắn kết chặt chẽ với nhau để thực hiện. Đặc biệt, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch và giải pháp để kết nối giữa phát triển du lịch NN&NT và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group, kiến nghị, trong giai đoạn hiện nay, Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để bảo vệ được giá trị từ thương hiệu OCOP, tránh bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy được giá trị tối đa. Các địa phương cần xác lập tour, tuyến đối với những địa điểm sản phẩm OCOP và giao các sở, ngành và đầu mối có liên quan đến dịch vụ du lịch thực hiện thông tin, quảng bá, khai thác, phát huy. Quan tâm quy hoạch, hình thành nhiều trung tâm và địa điểm giới thiệu sản phẩm OCOP. Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ NN&PTNT cần kết hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng các bộ, ngành của Trung ương để thúc đẩy hoàn thiện khung hành lang pháp lý, kịp thời có các hướng dẫn và quy định về cấp phép, quản lý, triển khai thực hiện một cách bài bản. Từ đó, các nhà đầu tư tiến hành đầu tư mang tính chất chuyên nghiệp, giúp phát triển lâu dài, bền vững và có sự kết hợp, gắn bó với nhau trong phát triển du lịch và phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, giúp các địa phương có cơ sở để xây dựng các cơ chế để hỗ trợ riêng cho hoạt động phát triển này, nhất là cơ chế hỗ trợ về hạ tầng, tín dụng, quảng bá và kết nối sản phẩm, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác du lịch và phát triển sản phẩm OCOP.