Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, định hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện các kế hoạch, chương trình nhằm hỗ trợ các vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính trách nhiệm, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Bên cạnh đó, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi đồng bộ, hoàn chỉnh, đa mục tiêu, bao gồm các công trình tưới và tiêu chủ động đáp ứng yêu cầu phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời, lồng ghép xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch để giới thiệu môi trường đầu tư, liên kết hợp tác đầu tư kinh doanh, tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường và có giá trị gia tăng cao...
Điển hình, tại huyện Chợ Mới, với nhiều giải pháp đồng bộ phù hợp thực tiễn của các cấp, ngành, địa phương cùng sự năng động, sáng tạo của nông dân, từ năm 2020 đến nay, huyện chuyển dịch từ đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái và từ đất trồng rau màu sang cây ăn trái hơn 1.555ha, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho nông dân.
Trong đó, đã hình thành một số vùng chuyên canh có diện tích lớn, như: Cây xoài 4.204ha, cây sầu riêng 101ha; vùng chuyên canh rau màu, vùng lúa chất lượng cao chiếm khoảng 68,74% diện tích sản xuất lúa. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có 721ha; chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 80,6ha rau màu; 3,6ha thanh long, rau màu được sử dụng chứng nhận nhãn hiệu An Giang.
Được cấp 80 mã số vùng trồng trên lúa, màu, cây ăn trái, với diện tích gần 8.388ha. Năm 2022, bình quân diện tích chuyển đổi sang trồng rau màu tăng gấp 3,76 lần và cây ăn trái tăng gấp 1,57 lần so trồng lúa. Giá trị sản xuất bình quân cây lúa hơn 123 triệu đồng/ha, cây màu đạt hơn 464 triệu đồng/ha, cây ăn trái đạt hơn 193 triệu đồng/ha.
Đồng thời, huyện Chợ Mới đã quy hoạch và phát triển vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái gắn với xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, giai đoạn 2021 - 2025, tập trung cho 4 nhóm sản phẩm chính, như: Rau ăn lá, rau ăn trái, khoai cao và bắp các loại, với tổng diện tích 2.240ha tại các xã: Kiến An, Mỹ An, An Thạnh Trung và thị trấn Hội An. Đối với cây ăn trái, huyện quy hoạch vùng chuyên canh xoài 4.227ha, tập trung ở các xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân; vùng chuyên canh sầu riêng 100ha tập trung tại xã Long kiến.
Đặc biệt, một số nông dân đã đa dạng hóa cây trồng, chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng đa canh, đa giá trị, như: Mô hình trồng nho, dâu tây, dâu tằm, chôm chôm, sầu riêng gắn với tham quan, giải trí... mang lại hiệu quả cao hơn so trồng lúa, góp phần nâng cao thu nhập.
Còn tại huyện Châu Phú, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tích cực áp dụng công nghệ mới vào sản xuất gắn với các vùng sản xuất tập trung, kêu gọi đầu tư công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Huyện đã hình thành được 10 vùng sản xuất tập trung trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể, đến nay, tại vùng trồng sầu riêng tại xã Bình Chánh phát triển được 50/70ha, tăng 43ha so năm 2020; thành lập Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Phước Lộc Thạnh và được cấp mã số vùng trồng; liên kết, mời gọi Công ty Cổ phần Non Nước ký hợp đồng thu mua 14ha, lợi nhuận bước đầu thu được 630 - 653 triệu đồng/ha/năm.
Vùng trồng nhãn xuồng tại xã Khánh Hòa phát triển được 155/250ha, tăng 75ha so năm 2020; thành lập Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - du lịch - nông nghiệp Khánh Hòa và được cấp mã số vùng trồng nhãn xuồng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu là sản phẩm nhãn xuồng OCOP 3 sao; lợi nhuận mang lại từ 80,6 - 109 triệu đồng/ha/năm.
Vùng sản xuất rau màu tập trung xã Bình Thủy phát triển được 265/516ha, tăng 35ha so năm 2020 và vùng sản xuất rau màu tập trung tại xã Khánh Hòa phát triển được 70/70ha, tăng 10ha so năm 2020. Vùng sản xuất rau màu tập trung tại xã Thạnh Mỹ Tây đến nay phát triển được 15/50ha, tăng 5ha so năm 2020...
Từng bước chuyển đổi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính minh bạch và chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực gắn với OCOP. Từ đó, giá trị sản xuất 1ha đất nông nghiệp tăng từ 185 triệu đồng/ha năm 2020 lên hơn 201 triệu đồng/ha năm 2022.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, định hướng phát triển cho các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn trái tăng về số lượng và diện tích sản xuất.
Qua đó, góp phần đổi mới mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phù hợp quy luật kinh tế thị trường và xu thế hội nhập. Đồng thời, khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù của địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, tạo động lực thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển...