Những năm gần đây, các địa phương đã tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Trong đó, các yếu tố về môi trường, phòng ngừa dịch bệnh được quan tâm thực hiện chặt chẽ. Hiện một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh đã có những bước đầu tư bài bản như Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường; Công ty TNHH MTV Phát triển Nông lâm ngư Quảng Ninh... Cụ thể, như Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) là đơn vị chăn nuôi bò quy mô lớn nhất tỉnh, với tổng đàn bò của doanh nghiệp mỗi năm lên đến 20.000-30.000 con. Hiện nay, trang trại bò Phú Lâm đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Để đạt được tiêu chuẩn này, công ty đã đầu tư hạ tầng đồng bộ với các khu xử lý chất thải, khu nuôi nhốt, khu chế biến và kho trữ thức ăn tách biệt. Riêng khu xử lý chất thải được đầu tư các bể chứa và hệ thống xử lý chất thải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực.
Cùng với các doanh nghiệp, tại các địa phương việc chuẩn hóa quy trình chăn nuôi và đảm bảo môi trường cũng từng bước được đẩy mạnh. Các địa phương tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch. Toàn tỉnh hiện có trên 200 trang trại chăn nuôi các loại; trong đó có 28 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung: Vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái, TX Đông Triều; vùng chăn nuôi gà huyện Tiên Yên...
Công tác vệ sinh tiêu trùng chuồng trại được các xã, phường chú trọng, 9 tháng năm 2023, các địa phương cấp phát trên 20.000 lít hóa chất, 50.000kg vôi bột để vệ sinh tiêu trùng khử độc; tiêu trùng khử độc tại gần 40.000 lượt hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thức chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn (trên 90%), rất khó sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn sự bấp bênh trong công tác tiêu thụ, vệ sinh môi trường và kiểm soát an toàn dịch bệnh. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, lượng chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày, đêm. Trong đó, số ít được xử lý qua hệ thống Biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường và tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó, đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường. Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo... Về lâu dài, tỉnh có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi.