Nâng cao hiệu quả công tác quản lý vật tư nông nghiệp

Bình luận · 191 Lượt xem

Công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã và đang được các cấp chính quyền và sở, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người kinh doanh, giảm thiểu vi phạm tr

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện, toàn tỉnh có 2.509 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) gồm 670 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, 1.597 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 242 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Trong đó, về cơ sở sản xuất, kinh doanh giống với năng lực sản xuất gần 7 tỷ cây giống các loại/năm.

 

Riêng về phân bón, hằng năm bà con nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo thống kê nhu cầu lượng phân bón sử dụng cho sản xuất nông nghiệp rất lớn, khoảng trên 1 triệu tấn các loại, gồm 459.000 tấn phân vô cơ, 607.000 tấn phân hữu cơ. Tuy nhiên, hiện, trên địa bàn chỉ có 5 nhà máy đang hoạt động sản xuất phân bón với năng lực sản xuất 125.500 tấn/năm, đáp ứng được khoảng 9,5% tổng nhu cầu sử dụng hàng năm hiện nay. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật người dân sử dụng trong toàn tỉnh khoảng 3.717 tấn/năm.

 

Theo đánh giá, nhìn chung hoạt động quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp và đạt được một số kết quả quan trọng. UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai các văn bản Trung ương có liên quan đến quản lý vật tư nông nghiệp như: Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Chăn nuôi, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp...; đặc biệt, gần đây là Chỉ thị số 06 ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

 

Nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 06 của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện tốt công tác rà soát tham mưu, chỉ đạo điều hành và thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục. Hoạt động thanh tra, kiểm tra VTNN đã được các cơ quan chuyên môn thuộc Sở thực hiện quyết liệt. Kết quả từ ngày 1/10/2022 đến nay đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 323 cơ sở, phát hiện 70 trường hợp vi phạm. Trong đó đã xử lý 67 trường hợp, 3 trường hợp chuyển hồ sơ để xử lý theo thẩm quyền.

 

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh VTNN không bảo đảm chất lượng vẫn tái diễn. Phổ biến nhất vẫn là câu chuyện hàng giả, vi phạm về nhãn hàng hóa; tình trạng quảng cáo không đúng công dụng; kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y không có trong danh mục,… trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng thực hiện với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường.

 

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nhận định tỉ lệ cơ sở kinh doanh được kiểm tra hằng năm còn thấp, chỉ đạt 15-20% số cơ sở hoạt động. Số lượng, chủng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được lấy mẫu kiểm tra chất lượng thấp, chỉ đạt từ 3-5% so với số lượng sản phẩm thực tế đang lưu hành, nên có nguy cơ để sót các cơ sở vi phạm.

 

Bên cạnh đó, việc bán hàng trên mạng thông qua các tổ chức đoàn thể, bán hàng trực tiếp cho người nông dân (thông qua hội thảo, hội nghị, khuyến mại) đã gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã phát hiện một số trường hợp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, thuốc không có tên trong danh mục được phép nhưng khi phát hiện hầu như không xử lý triệt để do không xác định được người phân phối và sản xuất;…

 

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp theo quy định của pháp luật liên quan. 

 

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.    

Bình luận