Hai tỉnh Đông Nam Bộ hợp tác đào tạo nhân lực vận hành đồng thời chia sẻ nhiều nền tàng số trong quản lý, điều hành.
Thỏa thuận hợp tác được Sở Thông tin và Truyền thông hai tỉnh kỳ chiều 6/10. Hai tỉnh sẽ phối hợp trong vận hành, thu hút, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Trung tâm dữ liệu và Trung tâm dữ liệu dự phòng, hoạt động 1022 cấp cứu ngoại viện 115, nền tảng MOOCs đào tạo trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức. Hai bên cũng chia sẻ kinh nghiệm trong vận hành trung tâm giám sát, điều hành thông minh, xây dựng các chỉ số, thống kê, duy trì kết nối dữ liệu,...
Bình Dương, Tây Ninh thống nhất chia sẻ các tính năng kỹ thuật, ưu điểm của các ứng dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền, phần mềm quản lý kinh tế - xã hội. Nhiều hoạt động khác cũng nằm trong thỏa thuận hợp tác như ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông, khai thác mạng xã hội để tuyên truyền chủ trương, chính sách. Hai tỉnh bắt tay duy trì tổ công nghệ số cộng đồng, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt,...
Ngoài hợp tác với Tây Ninh, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương ký kết hợp tác với Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung. Trọng tâm của thỏa thuận là việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc hoạch định và triển khai chiến lược chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Trần Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, đơn vị sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ cao tạo môi trường cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển phần mềm phục vụ trong nước và quốc tế.
Hai bên cũng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, vận hành khu công nghệ thông tin tập trung. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cung cấp tài liệu hướng dẫn triển khai, quản trị và các chỉ tiêu đánh giá hoạt động cho các khu công nghệ tập trung.
Tỉnh và đối tác sẽ trao đổi các giải pháp về dữ liệu số và trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ tư vấn các giải pháp về hạ tầng cho Trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Đối tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chuyên gia tư vấn kỹ thuật để đảm bảo điều kiện vận hành các hệ thống thông tin, phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số.
Ông Nguyễn Hữu Yên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương cho biết, chuyển đổi số là mục tiêu quan trọng. Năm 2022, chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh xếp hạng 19 cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2021.
Theo lãnh đạo Sở, đến nay 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng thông qua phần mềm quản lý. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cung cấp được 1.3521 trên tổng số 1.886 thủ tục trực tuyến. Tỉnh phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ cấp 801 chứng thư số cho tổ chức, 4.193 chữ ký số cho cá nhân các cơ quan hành chính Nhà nước, 16.103 chữ ký số tập trung HSM cho ngành giáo dục và y tế.
Về kinh tế, Bình Dương hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Toàn tỉnh có khoảng 65.000, 97% quy mô nhỏ và vừa. Trong đó có trên 45.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số và hơn 13.000 doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ số đang hoạt động.
Khoảng 1,2 triệu dân Bình Dương đã kích hoạt tài khoản định danh mức hai. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 80%.
Lãnh đạo tỉnh đánh giá đây là những kết quả bước đầu quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình còn dài và vẫn còn hạn chế. Tỉnh kỳ vọng việc hợp tác với Tây Ninh và Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, xây dựng được hệ thống dữ liệu phục vụ mục tiêu định hướng liên kết vùng Đông Nam bộ.
Hoài Phương