Cần đột phá trong đãi ngộ nhà khoa học

Bình luận · 377 Lượt xem

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Cần nâng cao mức đãi ngộ các nhà khoa học.
Cần nâng cao mức đãi ngộ các nhà khoa học.

Lương cho các nhà khoa học đang giảm dần

Văn bản nêu rõ: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 là phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa thật sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội, chưa giải đáp kịp thời nhiều vấn đề của thực tiễn đổi mới.

Đơn cử, chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức tại Viện Di truyền nông nghiệp hiện còn thấp. Chẳng hạn, lương của cán bộ, cử nhân ra trường sau khi trừ bảo hiểm và các khoản chi phí, chỉ còn khoảng hơn ba triệu đồng. GS, TS Lê Huy Nam, Chủ nhiệm Chương trình Công nghệ sinh học quốc gia 2021-2030 thẳng thắn: “Ba triệu đồng thử hỏi có duy trì được cuộc sống bình thường với chi tiêu hằng ngày, đi lại, con cái đi học được không? Tôi cho là hoàn toàn không thể!”. Không chỉ người trẻ, mức lương của TS khoa học tại đây cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với các nghiên cứu viên cao cấp như GS, PGS lương từ 9 triệu đến 13 triệu đồng/tháng.

Chưa hết, theo cơ chế mới về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở nghiên cứu, lương cấp cho nhà khoa học đang giảm dần. Ở nhiều viện, nhà nghiên cứu chỉ nhận được hơn một nửa số lương, số còn lại gộp cùng kinh phí nhà nước để cấp cho nhiệm vụ khoa học-công nghệ. Nhưng nhiệm vụ khoa học-công nghệ lúc có, lúc không, người có, người không.

Theo quy định trong tổng số đầu tư của nguồn ngân sách nhà nước thì sẽ dành tới 2% để đầu tư cho khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, hiện mức đầu tư này còn rất khiêm tốn. Chỉ tính riêng năm ngoái, chỉ có 0,8%. Lương thấp, phụ cấp không có, lĩnh vực nghiên cứu khoa học-công nghệ vì thế không phải là lựa chọn của nhiều người trẻ. Chỉ tính riêng tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tỷ lệ các nhà khoa học trẻ chỉ khoảng hơn 30%. PGS, TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ: “Nguy cơ chảy máu chất xám ngày càng trầm trọng hơn. Bởi vì bên ngoài, cơ chế về tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học cũng thông thoáng hơn. Lương trả cho các nhà khoa học cũng cao hơn gấp nhiều lần”.

Đề xuất đột phá

 

GS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm thuộc Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến khoa học nước nhà chưa thể đột phá phát triển: Mức độ đầu tư nghiên cứu khoa học thấp, đặc biệt là đầu tư thiết bị sử dụng trong nghiên cứu; thu nhập của nhà khoa học không cao; thiếu kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học... “Hạn chế về nguồn lực tài chính là lý do hàng đầu khiến nhà khoa học trẻ không thể tập trung nghiên cứu. Rất nhiều người có năng lực nhưng phải rời phòng nghiên cứu để tìm một công việc có mức lương ổn định hơn”, GS Việt nói.

Luật Khoa học-Công nghệ năm 2013 đã quy định những chế độ đãi ngộ đặc thù cho các nhà khoa học đầu ngành, cho các nhà khoa học chủ trì những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ, tài năng nhưng cho đến nay, hầu như chưa có ai được hưởng chế độ đãi ngộ đó do vướng mắc với các quy định của các luật khác. Nhiều nhà khoa học, vì thế, ngoài thời gian nghiên cứu khoa học, phải xoay xở mưu sinh.

Dự kiến trong tháng 9, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh trình HĐND thành phố đề án “Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học-công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ”.

Tại đề án này, Sở đề xuất cụ thể về tiền lương của các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học-công nghệ công lập. Theo đó, tiền lương của người đứng đầu các tổ chức khoa học-công nghệ công lập do UBND Thành phố Hồ Chí Minh thành lập nhận lương từ 60 - 120 triệu đồng/tháng; cấp phó của người đứng đầu từ 50 - 100 triệu đồng/tháng.

Đối với cấp trưởng phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức khoa học-công nghệ công lập, mức lương được chi trả từ 40 - 80 triệu đồng/tháng; cấp phó phòng, ban từ 30 - 60 triệu đồng/tháng. Riêng chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu là 60 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án được xem xét tăng tối đa 5% mức lương dựa vào kết quả hoạt động nhưng không quá mức trần khung quy định ở trên.

Theo các chuyên gia, đề xuất trên là rất cần thiết; đồng thời kỳ vọng với cơ chế, chính sách mới, đề án sau khi thông qua sẽ được triển khai hiệu quả.

Bình luận