Hiệu quả chăn nuôi nhân đôi nhờ phối tinh phân ly giới tính

Bình luận · 194 Lượt xem

Sử dụng tinh giống bò 3B phân ly giới tính phối cho đàn nái nền lai Zebu đã tạo ra con lai 3 máu chuyên thịt 100% bê đực, hiệu quả chăn nuôi vượt trội.

 

Để hỗ trợ người dân nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất, từ tháng 10/2021, Sở KH-CN Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản tạo con lai 3 máu chuyên thịt tại huyện Thạch Hà”.

 

Theo ông Lê Ngọc Nhân, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN Hà Tĩnh), mục tiêu dự án là sử dụng tinh giống bò 3B phân ly giới tính đực phối giống cho đàn nái nền lai Zebu tạo ra con lai ba máu chuyên thịt 100% bê đực; hỗ trợ 40% giá bò nái nền lai Zebu cho 5 hộ dân ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (mỗi hộ 8 con bò nái sinh sản).

 

Đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ thuật chăn nuôi bò lai chuyên thịt; các quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò lai sinh sản; kỹ thuật nuôi dưỡng đàn bê lai chuyên thịt ở các giai đoạn; vỗ béo bò thịt trước khi xuất bán; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cỏ; chế biến cỏ và phế phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn thức ăn dữ trữ... cho người chăn nuôi.

 

Sau gần 2 năm triển khai, đến thời điểm này, đàn bò lai đã sản xuất được 25 con bê lai 3B (24 bê đực và 1 bê cái). Bê sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện chăn nuôi của trang trại. 5 nái sau khi đẻ lứa đầu được phối giống trở lại và hiện có 19 con đang mang thai; 19 nái đang trong giai đoạn chờ phối, 1 nái đang theo dõi sau phối.

 

"Điểm đặc biệt trong dự án hỗ trợ này là việc sử dụng tinh phân ly giới tính để phối giống, tạo ra những con bê đực có giá trị kinh tế cao gấp hai lần so với bê cái”, ông Nhân chia sẻ.

 

Trang trại gần 2ha của hộ anh Nguyễn Văn Hùng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng hoang ở thôn Quý Linh (xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà). Trang trại trồng bạt ngàn cỏ, thanh long và bưởi. Anh Hùng là một trong 5 hộ dân được dự án hỗ trợ 40% chi phí mua 8 con bò nái và tinh phân ly giới tính đực để phối giống.

 

Theo anh Hùng, gia đình anh đã chăn nuôi bò từ 20 năm nay, tuy nhiên trước đây chủ yếu nuôi bò cỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Đến khoảng năm 2015 anh bắt đầu nuôi bò lai Zebu và mới đây khi tham gia dự án hỗ trợ của Sở KH-CN Hà Tĩnh thì kỹ thuật nuôi bò lai 3B chất lượng cao trở thành bước tiến trong chăn nuôi của gia đình.

 

“Hiện chúng tôi đang nuôi 22 con bò và bê. Trong đó, 8 con bê được sinh sản từ đàn bò lai của dự án, dự kiến cuối năm nay xuất bán”, anh Hùng cho biết. Cũng theo anh Hùng, hiện nay dù giá bò hơi thấp, nhưng trước mắt so với bê cỏ thì giá bê 3B cũng đã cao hơn bê cỏ 6 – 7 triệu đồng/con. Chưa kể, dự án tạo ra gần đạt 100% tỷ lệ bê đực nên giá trị cao gấp đôi so với bê cái.

 

Ngoài chăn nuôi bò, gia đình anh Hùng đang nuôi thêm lợn, tận dụng toàn bộ phân để ủ hoai mục bón trở lại cho cỏ và cây ăn quả.

 

Là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án tại xã Thạch Xuân, ông Võ Tá Duy, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà cho biết, trong cùng một công thức lai, một chế độ dinh dưỡng, cùng độ tuổi thì trọng lượng của bò lai 3B đực có thể lớn hơn trọng lượng của bò lai 3B cái từ 50 - 100kg. Mặt khác, cùng độ tuổi, cùng trọng lượng thì giá bán của lai 3B đực lúc nào cũng cao hơn bò lai 3B cái từ 5 - 10 triệu đồng. Như vậy, xét về mặt hiệu quả kinh tế thì bò lai 3B đực cao hơn vượt trội so với bò lai 3B cái.

 

“Về mặt xã hội, việc thực hiện thành công mô hình chăn nuôi bò cái lai sinh sản, sử dụng tinh chất lượng cao ở Thạch Xuân không chỉ góp phần xây dựng vùng chăn nuôi tập trung hàng hóa, giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao nhận thức, trình độ khoa học công nghệ và kiến thức thị trường cho người chăn nuôi”, ông Võ Tá Duy nhấn mạnh.

Thanh Nga

Bình luận