Giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới, các nước ồ ạt mua vào, có nước tăng mua đột biến
Theo thông tin của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 5/10/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang ổn định ở mức 613USD/tấn, giá gạo 25% tấm ở mức 598USD/tấn, trong khi giá gạo cùng loại của Thái Lan lần lượt là 583USD/tấn và 535USD/tấn. Như vậy, giá gạo Việt Nam tiếp tục ở mức cao nhất thế giới.
Báo cáo của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, gạo là mặt hàng có đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2023. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2023 đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh các nhóm hàng thủy sản, lâm sản giảm sâu về kim ngạch xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản đã có đóng góp đáng kể cho con số 38,48 tỷ USD, trong đó, riêng xuất khẩu gạo 9 tháng năm 2023 đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%.
Xuất khẩu gạo của nước ta đã bật tăng mạnh trong 9 tháng năm 2023 nhờ nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch hè thu và nhu cầu tăng cao sau khi một số nước như Ấn Độ, Nga, UAE, Myanmar ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo.
Đơn cử như Philippines, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc tăng 24,4%. Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia tăng đột biến hơn 13 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 312 lần, Singapore và Mozambique tăng 2,2 - 2,4 lần…
Đứng thứ hai về thị trường tiêu thụ gạo của nước ta là Trung Quốc với khối lượng đạt 786.102 tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 13,5% thị phần. Indonesia vươn lên vị trí thứ ba với 718.091 tấn, tăng gần 16 lần (1.459%) so với cùng kỳ và chiếm 12,4% thị phần.
Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu sang Ghana tăng tới 42,6%, Singapore tăng 57,6%, Mozambique tăng 65,6%... Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng đột biến 15.360%, Chile tăng 4.115%, Senegal tăng 522,8%...
Theo nhận định của các chuyên gia Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với triển vọng thị trường như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 7,8 triệu tấn, vượt năm ngoái đến 700.000 tấn.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, thực hiện chủ trương tăng diện tích lúa thu đông ở những nơi có điều kiện phù hợp để tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 625.700ha lúa thu đông, tăng 8,8% so với vụ thu đông năm 2022; sản lượng đã thu hoạch đạt 682.200 tấn, tăng 34,6%. Nguồn cung lúa gạo của vụ thu đông sẽ giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đàm phán thêm các hợp đồng khi nhu cầu mua gạo của thế giới vẫn còn cao.
Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã có thông báo mời thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo loại 5% tấm, trong đó, có 300.000 tấn dành cho nguồn cung đến từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Hạn cuối nộp hồ sơ dự thầu dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia gói thầu nêu trên là ngày 9/10, kết quả dự kiến được công bố vào ngày 10 hoặc 11/10. Dự kiến, đơn vị trúng thầu sẽ giao hàng đến Indonesia trước ngày 25/12/2023.
Trong khi đó, giá gạo ở Philippines đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm vào tháng 9. Điều này cho thấy việc áp giá trần gạo của tổng thống Philippines không có nhiều hiệu quả.
Theo hãng tin Bloomberg, vào đầu tháng 9, Philippines đã áp giá trần đối với gạo xay xát thông thường là 41 peso/kg, tương đương 0,74USD/kg; giá gạo xay xát kỹ ở mức 45 peso/kg, khoảng 0,81USD/kg. Việc Philippines - khách hàng lớn nhất của gạo Việt - chính thức bỏ trần giá gạo nội địa sẽ giúp thị trường khởi sắc trở lại.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo, đại diện một doanh nghiệp ngành gạo ở Tiền Giang cho rằng, năm nay, mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu không nhiều hơn nhưng do giá gạo xuất khẩu tăng cao, kéo giá trị xuất khẩu gạo tăng cao kỷ lục.
Năm ngoái, chúng ta xuất khẩu được 7,3 triệu tấn, dự kiến năm nay xuất khẩu tối đa được khoảng 7,8 - 7,9 triệu tấn do diện tích trồng không tăng lên nhiều. Với giá xuất khẩu khoảng 580 - 600 USD/tấn, xuất khẩu gạo dự kiến sẽ mang về khoảng 5 tỷ USD.
Thị trường lúa gạo khởi sắc cũng giúp người trồng lúa được hưởng lợi. Các chuyên gia nhận định, trong tương lai, nếu giá gạo vẫn cứ giữ như hiện nay sẽ rất tốt. Nhà mua thế giới cũng chấp nhận, người trồng lúa có hiệu quả. Với doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường càng bình ổn thì doanh nghiệp sẽ tính toán được về giá mua và lượng mua cũng như giá bán và lượng bán.