Năng suất tương đương nhưng giá thành chăn nuôi Việt Nam vẫn cao hơn thế giới

Bình luận · 209 Lượt xem

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, hiện năng suất chăn nuôi của Việt Nam đã tiệm cận các nước tiên tiến, nhưng giá thành vẫn cao hơn.

 

Hai mảng màu sáng, tối

Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trong thời gian qua phát triển mạnh mẽ và đóng góp rất lớn vào nền kinh tế đất nước. Việt Nam hiện là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, điều này phần nào cho thấy những cơ hội để đưa ngành này tăng tốc. Theo ông, trong bức tranh tổng thể của ngành gia cầm nước ta hiện nay, đâu là những mảng sáng?

 

Về mảng sáng, có thể chỉ ra là ngành gia cầm đã và đang đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp, chiếm vị trí thứ hai trong ngành chăn nuôi cả về giá trị sản xuất cũng như tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân.

 

Sản phẩm thịt, trứng gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho gần 100 triệu dân trong nước, mà bước đầu đã xuất khẩu chính ngạch. Việt Nam từng bước khẳng định là một quốc gia sản xuất thịt, trứng thuộc tốp đầu của thế giới.

 

Bên cạnh chăn nuôi truyền thống, phương thức sản xuất công nghiệp, trang trại quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, hiện đại có xu hướng ngày càng phát triển. Vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật cũng được cải thiện đáng kể.

 

Nếu xét về tổng thể, năng suất và chi phí sản xuất gia cầm nước ta thuộc nhóm trung bình, nhưng nếu tính riêng ở khu vực chăn nuôi công nghiệp, các chỉ tiêu năng suất của Việt Nam cũng đạt tương đương với các nước phát triển.

 

Đặc biệt, ngành gia cầm Việt Nam đã chủ động chọn lọc, lai tạo được một số bộ giống gà lông màu từ các giống gà bản địa có năng suất chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu thụ gà thịt chất lượng cao. Nghề chăn nuôi gia cầm góp phần giải quyết sinh kế cho hàng triệu lao động ở nông thôn.

 

Những mặt chưa được thì sao, thưa ông?

 

Có thể dễ nhận thấy là tăng trưởng sản xuất của ngành gia cầm mặc dù tương đối cao, nhưng kém bền vững, tỷ suất lợi nhuận đang có xu hướng giảm dần. Giá thành sản xuất sản phẩm gia cầm trong nước vẫn còn cao so với sản phẩm nhập khẩu, khiến áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.

 

Thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm gia cầm được tiêu thụ nội địa là chính, nhưng sức mua và mức tiêu thụ thấp hơn so với nhu cầu. Thị trường xuất khẩu còn còn hạn hẹp, năng lực cạnh tranh yếu. Công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu chưa phát triển.

 

Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn là mối lo thường trực, dẫn đến rủi ro rất cao, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ. Hộ chăn nuôi và doanh nghiệp gia cầm vừa và nhỏ đang bị thu hẹp dần cả về số lượng và quy mô sản xuất, sinh kế của hàng triệu lao động ở nông thôn gắn với nghề chăn nuôi gia cầm đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Độ vênh lớn nên khó tránh mâu thuẫn

Ông có thể cho biết, đâu là những nguyên nhân chính khiến ngành gia cầm Việt Nam còn nhiều bất cập và phát triển kém bền vững như vậy?

 

Nguyên nhân sâu xa khiến ngành gia cầm Việt Nam còn nhiều bất cập, thứ nhất đó là sự bất cập mang tính hệ thống trong sản xuất và thương mại của ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng. Từ nhiều năm nay đã phát sinh mâu thuẫn giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, trong đó, quan hệ sản xuất đã không theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất.

 

Các chủ thể chính trong sản xuất ngành gia cầm là nông hộ, doanh nghiệp nội và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có “độ vênh” lớn về năng lực tổ chức sản xuất và thương mại, cho nên sự phát sinh các mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.

 

Thứ hai, do tác động tiêu cực của sự suy thoái nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine đã và đang gây áp lực lớn lên ngành chăn nuôi nước ta, thể hiện ở chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao kỷ lục (giá thức ăn, thuốc thú y, vật tư thiết bị phục vụ chăn nuôi...), khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước đều bị đội lên, trong khi sức mua và mức tiêu thụ lại giảm mạnh, khiến giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất diễn ra trong thời gian dài.

 

Thứ ba, ngành gia cầm Việt Nam đang bị sức ép lớn từ việc nhập siêu thịt gia cầm giá rẻ từ các quốc gia mà nước ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu sản phẩm gia cầm cũng góp phần làm gia tăng sự khó khăn, phức tạp cho sản xuất, tiêu thụ trong nước.

 

Và một nguyên nhân nữa là do một số chính sách, quy định hiện hành chưa thực sự góp phần hỗ trợ đáng kể cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, chẳng hạn như chính sách thu hút đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, hợp chuẩn, hợp quy, thiếu hàng rào kỹ thuật…

 

Giải pháp để bền vững

Nhiều ý kiến cho rằng, tới đây, các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ sẽ bị loại khỏi ngành, nhường sân cho sự phát triển của các trang trại, gia trại, doanh nghiệp FDI, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

 

Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2045, Chính phủ vẫn coi trọng ba chủ thể sản xuất chính, đó là hộ nông dân, doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, những năm gần đây số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang giảm nhanh hơn dự kiến.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số hộ chăn nuôi gia cầm năm 2020 là hơn 8 triệu hộ. Đến nay, ước tính số hộ nuôi gia cầm giảm 25%, chỉ còn khoảng 6 triệu hộ. Các chuyên gia cho rằng, bi kịch lớn ở đây là do thiếu nguồn vốn cùng với giá thị trường xuống sâu đã đánh gục các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, kể cả các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.

 

Việc đầu quân nuôi gia công cho doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI chính là cách nhiều hộ và trang trại chăn nuôi lựa chọn để tồn tại và hồi sức. Tuy nhiên, từ cương vị làm chủ, giờ đây người nông dân lại trở thành người làm thuê. Các doanh nghiệp lớn đang dễ dàng khai thác cơ sở hạ tầng, chuồng trại của hộ nông dân, trong khi không phải bỏ vốn đầu tư trực tiếp.

 

Khi các hộ nông dân bỏ chăn nuôi hoặc chuyển sang hình thức nuôi gia công thì việc quyết định giá bán lại nằm trong tay các doanh nghiệp lớn, mặt khác sinh kế của hàng triệu hộ nông dân gắn với ngành chăn nuôi đang bị đe dọa, nếu như các doanh nghiệp ngừng hợp đồng chăn nuôi gia công.

 

Vậy về tổng thể, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì để đưa ngành gia cầm qua cơn bĩ cực?

 

Giải pháp trước mắt là các Bộ, ngành cùng các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc đấu tranh, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả tình trạng nhập lậu các sản phẩm gia cầm qua biên giới.

 

Tổ chức xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu chính ngạch thịt gà đông lạnh. Rà soát cắt giảm một số phí, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tiết giảm chi phí sản xuất. Cần chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm ở phạm vi quốc gia.

 

Về lâu dài, các Bộ, ngành có liên quan cần triển khai ngay việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Chính phủ cần sớm ban hành bổ sung một số chính sách đặc thù cho ngành chăn nuôi nhằm tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu.

 

Về phía các doanh nghiệp, cần đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, phương thức quản lý theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã. Khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi gia cầm theo chuỗi khép kín hướng tới xuất khẩu.

 

Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các hiệp hội ngành hàng phù hợp với nền kinh tế thị trường.

 

Xin cảm ơn ông!

 

"Bi kịch lớn ở đây là do thiếu nguồn vốn cùng với giá thị trường xuống sâu đã đánh gục các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, kể cả các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ", Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn nói.

Bình luận